Thể thao

Thua tan nát tại VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam sẽ thế nào?

25/01/2016, 08:02

U23 Việt Nam đã khép lại VCK U23 châu Á với vị trí bét bảng D, không giành được điểm nào.

DONG0775
Một pha tranh bóng giữa U23 Việt Nam - U23 Australia.

U23 Việt Nam đã khép lại VCK U23 châu Á với vị trí bét bảng D, không giành được điểm nào sau ba trận toàn thua. Tuy nhiên, bên cạnh gam màu xám, hành trình của thầy trò HLV Toshiya Miura vẫn có những mảng sáng.

Thất bại để biết mình đang ở đâu

Thêm một lần nữa, bóng đá Việt Nam thất bại khi bước ra đấu trường châu lục và lần vấp ngã này cho chúng ta thấy mình đang đứng ở đâu so với bạn bè quốc tế. Không thể phủ nhận thành tích lọt vào VCK U23 châu Á 2016 là một bước tiến lớn của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta đã đủ tư cách ngồi chung mâm với nhóm đại gia châu Á.

Theo dõi màn trình diễn của thầy trò HLV Miura qua ba trận đấu tại vòng bảng, không khó để nhận ra khoảng cách trình độ giữa U23 Việt Nam và các đội bóng cùng bảng. Chẳng những vượt trội về thể hình, thể lực, U23 Jordan, U23 UAE hay U23 Australia còn cho thấy họ hoàn thiện hơn hẳn về kỹ, chiến thuật và bản lĩnh thi đấu.

Người hâm mộ có quyền chỉ trích lối chơi của U23 Việt Nam nhưng chắc chắn dù chơi với tất cả khả năng, sức lực, thầy trò HLV Miura cũng khó tạo ra bất ngờ. Không thể nhìn vào màn trình diễn ở trận cuối cùng vòng bảng để đánh giá U23 Việt Nam đủ khả năng đá ngang ngửa với hai đối thủ trước đó.

Nên nhớ, U23 Việt Nam bước vào trận gặp U23 UAE với tâm lý chẳng còn gì để mất. Khi tinh thần thoải mái, cộng quyết tâm cao độ, đội bóng áo đỏ đã chơi một trận “ra trò” với U23 UAE. Cũng phải nhắc tới sự chủ quan từ phía đội bạn và bằng chứng là các học trò của HLV Abdulla Mesfer đã chơi rất tốt trong hiệp hai để ghi tới 3 bàn và giành thắng lợi chung cuộc.

Nhìn ở góc độ khác, thất bại của U23 Việt Nam lần này là hệ quả của một quá trình chuẩn bị sơ sài. Thầy trò HLV Miura hội quân từ khá sớm nhưng ông thầy người Nhật hiếm khi có đủ nhân sự để thực hiện các bài tập chiến thuật. Ngoài ra, U23 Việt Nam đại diện cho bóng đá Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” nhưng lại không nhận được sự quan tâm đúng mực từ VFF.

Trong lúc Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức liên tục đăng đàn đòi sa thải HLV Miura thì trên đất Qatar, các tuyển thủ U23 Việt Nam nhiều bữa phải ăn mỳ tôm, cơm chấm mắm tép do thức ăn không phù hợp. Dù chỉ là chuyện ăn, uống nhưng ít nhiều nó cũng ảnh hưởng tới tâm lý của các cầu thủ.

Hướng tới giấc mơ vàng SEA Games 29

Việc U23 Việt Nam rời giải châu Á với hai bàn tay trắng khiến bầu không khí bóng đá nước nhà những ngày đầu năm 2016 đầy u ám. Tuy vậy, nếu nhìn theo hướng tích cực hơn, chúng ta vẫn có những hi vọng vào tương lai tươi sáng. Đáng kể nhất dĩ nhiên phải là màn trình diễn của nhóm cầu thủ HAGL. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Đông Triều hay Văn Thanh, Văn Tiến đều chơi hay khi được trao cơ hội.

Với kỹ thuật căn bản tốt, tư duy chơi bóng hiện đại, nhóm cầu thủ HAGL đã giúp U23 Việt Nam thể hiện được sự nhịp nhàng, mềm mại hơn. Những pha đi bóng của Công Phượng, pha xử lý và dứt điểm tuyệt vời của Tuấn Anh hay những đường chọc khe sắc lẹm của Xuân Trường... đem lại cảm xúc cho người hâm mộ. Gần hai năm nữa, nhóm cầu thủ trên sẽ là nòng cốt tham dự SEA Games 29 và cứ đà này người hâm mộ hoàn toàn có thể nghĩ về giấc mơ vàng vẫn còn dang dở.

Bên cạnh đó, thể lực của các cầu thủ U23 Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Dù phải cày ải với mật độ 3 ngày 1 trận trước các đối thủ to khỏe nhưng U23 Việt Nam không hề bị xuống sức ở thời điểm cuối trận - điều trước đây vốn được coi là ác mộng của bóng đá Việt Nam.

Trong bóng đá hiện đại, thể lực đóng vai trò quan trọng và là nền tảng để thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì được thể trạng như hiện tại, U23 Việt Nam còn có thể tiến bộ hơn nữa trong tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.