Tài chính

Thừa Thiên Huế: 25 dự án được cấp mới tổng vốn đầu tư hơn 13,7 nghìn tỷ

08/10/2022, 20:48

Trong 25 dự án được cấp mới tại Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư 13.789,4 tỷ đồng, có 4 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD...

Ngày 8/10, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư 7 dự án và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án tiêu biểu.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 25 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 13.789,4 tỷ đồng (gồm 4 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD), trong đó trên địa bàn Khu Kinh tế, Khu công nghiệp có 11 dự án với tổng vốn đầu tư 4.682 tỷ đồng.

Trong các 6 dự án tiêu biểu được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị có Dự án Bến số 4, 5 cảng VSICO - Chân Mây của Công ty CP Hàng hải VSICO.

img

Tỉnh Thừa Thiên Huế trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện các doanh nghiệp tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Thừa Thiên Huế có 6 Khu công nghiệp, 2 Khu kinh tế gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu kinh tế Cửa khẩu A Đớt; sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I.

Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5- 6 triệu tấn/năm.

img

Đại diện 7 đơn vị được tỉnh Thừa Thiên Huế trao chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án tại Hội nghị

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài 450m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dài 300m sẽ hoàn thành vào quý I/2026; các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thiện. Khu bến Chân Mây đã được Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam bổ sung công năng khai thác tàu container.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng suất lao động tăng...). Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, ngày 7/9, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 18 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Tại Hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Đối tượng hỗ trợ là hãng tàu biển, đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng. Mức hỗ trợ 210 triệu đồng/ chuyến cập cảng.

Đối với chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi đến cảng Chân Mây, đối tượng và điều kiện hỗ trợ là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh). Mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container, đối với container 40 feet là 1,1 triệu đồng/container.

Về hình thức hỗ trợ, các hãng tàu biển, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách được quyền lựa chọn phương thức nhận kinh phí hỗ trợ theo hàng tháng hoặc 1 lần (12 tháng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.