Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên- Huế Hồ Xuân Trăng phát biểu về tình trạng tảo hôn tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VII |
Thông tin được ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết tại kỳ hợp thứ 5, HĐND khóa VII (diễn ra từ ngày 7- 9/12/2017).
Theo ông Trăng, năm 2013 huyện A Lưới đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 43 về việc “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013- 2017”, tỷ lệ tảo hôn đã giảm dần: năm 2010 có 52 trường hợp, đến năm 2016 giảm xuống còn 19 trường hợp.
Tuy nhiên, đến năm 2017 là giai đoạn cuối thực hiện Nghị quyết chuyên đề nói trên thì tỷ lệ tảo hôn tại A Lưới tăng… vọt trở lại, với 35 trường hợp.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nguyên nhân tảo hôn chủ yếu do chất lượng cuộc sống còn thấp, trình độ dân trí và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Còn nhiều phong tục, tập quán, quan niệm lạc hậu ảnh hưởng sâu trong nhận thức của người dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế khóa VII diễn ra ngày 7- 9/12/2017 |
Mặt khác, do tác động bởi những mặt trái của đời sống thời đại thông tin, giới trẻ dễ dàng tiếp cận những nguồn phim ảnh không lành mạnh qua internet cũng ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ vị thành niên dẫn đến tảo hôn.
“Đời sống kinh tế- xã hội khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, vì vậy cần phải có những biện pháp phát triển kinh tế để cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt các dự án mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”, ông Trăng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Trăng, cần tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tuyên truyền giáo dục pháp luật Hôn nhân gia đình các địa phương cơ sở. Tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân kết hợp với giáo dục tư tưởng để nâng cao nhận thức cho bà con.
Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn bản, bởi vì họ không chỉ là người nắm rõ phong tục, tập quán, những luật lệ của làng mà còn là người có sự hiểu biết về pháp luật cũng như các kiến thức cơ bản khác.
Đặc biệt, nên quy định chế tài xử lý người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng tảo hôn nhiều và có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó là sự phối hợp tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể- xã hội… về chính sách pháp luật Hôn nhân gia đình nói chung và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết nói riêng, đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên 14- 18 tuổi. Tăng cường công tác giám sát, thực thi pháp luật về Hôn nhân gia đình ở các thôn, bản. Lồng ghép quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình vào quy ước, hương ước của thôn, bản, làng.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp các kiến thức pháp luật và thông tin về Hôn nhân gia đình trong các trường THCS tại 2 huyện A Lưới và Nam Đông, đặc biệt là Trường THCS nội trú, trong đó nhấn mạnh về tác hại của tảo hôn. Các Sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tăng cường kiểm tra công tác hộ tịch, khám sức khỏe tiền hôn nhân… giúp người dân xây dựng đời sống gia đình lành mạnh, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận