|
Tứ nón chân khay mố M2 được nhà thầu chủ động tự bỏ kinh phí gia cố tạm trong thời gian chờ cắt lún để chống xói lở. Đây là hạng mục phụ trợ của cầu. |
Trước đó, một số thông tin phản ánh cầu vượt đường sắt (Km868+600 QL1, đoạn qua huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) xuất hiện nứt, lún một số vị trí: bờ bo lan can, chân khay tứ nón mố M2 (phía Nam cầu). Ngay trong những ngày qua, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT), Ban QLDA, nhà đầu tư trực tiếp kiểm tra, đánh giá cụ thể.
Tại hiện trường cầu vượt đường sắt, đoàn ghi nhận những vết nứt như phản ánh xuất hiện ở một số bo lan can, phần vị trí liên kết với móng cột điện. Vết nứt nhỏ theo phương thẳng đứng, vuông góc theo kết cấu móng cột điện. Đại diện Ban ĐHDA BOT Phước Tượng-Phú Gia lý giải: quá trình đổ bê tông bờ bo lan can, nhà thầu chọn giải pháp để lại một khoảng hở vừa đủ cho phần móng cột điện sẽ hoàn thiện sau khi lắp cột trụ điện, để kết cấu chịu lực cho các trụ điện này. Do hai phần bê tông không được đổ cùng ngày nên dẫn đến hiện tượng rạn nứt ở phần tiếp giáp.
Hiện tượng này phía nhà thầu chủ động dự báo, theo dõi và kịp thời trám lại đảm bảo tính thẩm mỹ chung của toàn công trình. Một số vị trí bị rám do quá trình đổ bê tông bờ bo lan can gặp mặt ván khuôn không phẳng cũng được nhà thầu chủ động trám vuốt hoàn thiện.
Đoàn kiểm tra ghi nhận tại phần tứ non chân khay mố 2 (phía Nam cầu) xuất hiện 2-3 vết nứt dài khoảng 20-30cm trên mái đắp ta luy. Theo Ban ĐHDA BOT hầm Phước Tượng- Phú Gia, đây là đoạn nhà thầu gia cố tạm để chờ cắt lún. Đặc thù cầu vượt đường sắt và đường dẫn phía Bắc hầm Phước Tượng qua vị trí nền đất yếu với chiều dày nền đất yếu trung bình 18-20m, phải xứ lý bằng khoan cọc cát, chờ lún.
Theo quy định, khi cắt lún (thời gian 7 tháng, đến tháng 4/2016-PV) nhà thầu mới phải hoàn thiện chân khay tứ nón, vuốt gia cố đường dẫn đúng thiết kế. Tuy nhiên để phòng tránh nguy cơ xói lở mùa mưa dịp Tết nhà thầu chủ động xin tự bỏ kinh phí đắp tạm mái ta luy chân khay tứ nón này.
|
Sau thời gian đưa vào khai thác, cầu vượt đường sắt và dự án hầm BOT Phước Tượng-Phú Gia nói chung đem lại hiện quả rõ rệt. |
Đoàn kiểm tra cũng đánh giá: thực tế vị trí phản ánh xuất hiện nứt lún thuộc các hạng mục phụ trợ, bờ bo lan can, do đổ bê tông không cùng thời điểm và trong quá trình đắp tạm chờ cắt lún theo thiết kế. Tại các vị trí, hạng mục kết cấu chịu lực của cầu (mố, trụ, dầm…) không xuất hiện bất kỳ hiện tượng nứt nét, hư hại nào. Chất lượng công trình cầu vượt đường sắt đảm bảo sau thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, và góp phần tạo hiệu quả rõ rệt cho việc lưu thông, giảm ách tắc đường đèo Phước Tượng-Phú Gia, xóa điểm đen TNGT…
Một số hình ảnh ghi nhận thực tế tại hiện trường:
|
Đang trong thời gian chờ cắt lún (đến tháng 4/2016), nhà thầu chưa vuốt hoàn thiện gia cố đoạn mái đường dẫn theo thiết kế. |
|
Riêng các vị trí tứ nón chân khay mố cầu được nhà thầu chủ động tự bỏ kinh phí gia cố tạm để chống xói lở. Khi cắt lún các hạng mục này sẽ hoàn thiện theo đúng thiết kế |
|
Vết nứt” hình chữ Z nhìn bằng mắt thường có thể thấy là hai phần bê tông đổ rời, không cùng thời điểm và cùng liên kết bê tông giữa tường cánh mố M2 và tường cánh của sàn giảm tải. |
|
Vị trí được phản ánh là "nứt" nằm ở bờ bao lan can tại khu vực bê tông trụ cột điện |
|
Khi thi công nhà thầu chọn giải pháp chừa lại vị trí cho trụ cột điện và đổ bê tông khớp nối sau, nên dẫn đến hiện tượng "nứt" vuông, dọc |
|
Các kết cấu chịu lực của cầu hiện không ghi nhận bất kỳ hiện tượng hư hại, nứt nào. Chất lượng công trình được đánh giá đảm bảo sau thời gian đưa vào khai thác |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận