Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 26/9, ngoài phối hợp hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão, lực lượng Công an Thừa Thiên Huế trực tiếp về cơ sở hỗ trợ người dân chằng, chống nhà cửa.
Theo đó, các đơn vị công an tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến, mưa lũ, tập trung triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, trật tự ATGT ở các địa bàn.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại huyện vùng cao Nam Đông
Lực lượng Phòng CSGT chủ động phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, Thanh tra Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức cắm biển, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực đang thi công, khu vực xung yếu, chủ động các phương án phối hợp cứu hộ giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ nội địa…
Công an các xã, phường, thị trấn tiếp tục bám địa bàn cơ sở, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trước, trong và sau bão.
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), một trong những xã nằm ở vùng xung yếu chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, lực lượng Công an đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương khảo sát các địa điểm tránh trú bão an toàn; sắp xếp, bố trí lương thực thực phẩm và đến từng hộ tuyên truyền, vận động đưa người dân di dời đến nơi an toàn.
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại cảng Chân Mây...
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, Phú Thuận có 71 hộ, 322 nhân khẩu, trong đó có 22 hộ thuộc diện cần di dời khẩn cấp đến vùng an toàn.
“Lực lượng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của xã, cũng như lực lượng Công an, Quân sự và Biên phòng phụ trách địa bàn đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của bà con, cũng như đảm bảo hậu cần cho bà con an tâm trong quá trình phòng chống bão lụt”, ông Tùy cho hay.
Cùng ngày (26/9), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó cơn bão số 4- bão Noru tại Cảng Chân Mây...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ngày 26/9 tiếp tục yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các Sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 và mưa lũ sau bão có thể gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ như: Tổ chức ứng trực tại cơ quan, đơn vị 24/24h kể từ 17h ngày 26/9; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét...
Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chủ động cho tạm dừng hoạt động tại các cơ sở sản xuất tập trung đông lao động; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm ATGT, nhất là trước và trong khi bão khi bão đổ bộ và mưa lũ...
Cùng ngày (26/9), ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản về việc ứng phó bão Noru - bão số 4, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và TP Huế, các Trung tâm GDNN-GDTX thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27 và 28/9.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây báo cáo với lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam về việc triển khai công tác ứng phó với bão số 4
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân giằng chống nhà cửa...
... Trường học
Cắt tỉa cây xanh
Kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Phú Hải
... Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Thuận An
Hỗ trợ người dân di dời đến nơi tránh bão...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận