Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn của đại biểu về việc có hay không sự bao che hay tiếp tay của lực lượng chức năng cho "cát tặc" |
Trả lời tại phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh chiều 8/12, ông Phan Văn Thông - Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên-Huế cho biết, UBND tỉnh cũng chỉ nghe dư luận phản ánh chung như câu hỏi chất vấn của đại biểu, mà chưa nhận được đơn thư tố cáo hoặc các bằng chứng liên quan đến vấn đề này.
Ông Thông cho biết, mọi trường hợp có sự bao che dung túng, UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự. UBND tỉnh cũng đã khuyến khích người dân tố giác tội phạm và sẽ đảm bảo bí mật thông tin cho người tố giác. Thậm chí, nếu có biểu hiện tiếp tay cho hoạt động khai thác cát sỏi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý việc vi phạm hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn…
Ông Thông cho biết UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện lực lượng chức năng có biểu hiện tiếp tay cho hoạt động khai thác cát sỏi trái phép |
Tuy nhiên, theo ông Thông, tình trạng khai thác trái phép vẫn còn diễn ra, ngày 6/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông, lập trạm kiểm tra, tổ chức trực ban 24/24h trên sông Hương kể từ ngày 9/10/2017 đến nay, đã phát hiện và xử lý 19 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 39,5 triệu đồng.
Riêng Sở TN&MT năm 2017 đã tổ chức 6 đợt kiểm tra, xử lý 38 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt 205 triệu đồng. Nhưng, vẫn còn một số thuyền khai thác nhỏ lẻ, thủ công ở thượng nguồn hoặc hạ lưu và những nơi không có lực lượng cắm chốt.
Có ngăn chặn được “cát tặc”?
Để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, ông Phan Văn Thông cho biết UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, các địa phương, các lực lượng kiểm tra tiếp tục thực hiện 6 giải pháp cụ thể. Trong đó, có các giải pháp đồng bộ gồm vận động tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử phạt, đồng thời chỉ đạo Sở GTVT rà soát lập thẻ các phương tiện vận chuyển cát sỏi cũng như kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép mới phương tiện thủy nội địa phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển cát sỏi.
Nghiên cứu tạo việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân làm nghề khai thác cát sỏi. Tổ chức rà soát quy hoạch vật liệu xây dựng các mỏ vật liệu khai thác cát sỏi lòng sông để đảm bảo nhu cầu xây dựng, nhất là cát xây dựng; tìm vật liệu thay thế cát xây dựng...
“Theo quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020, dự báo nhu cầu về cát xây dựng năm 2015 là 900.000 khối và dự kiến năm 2020 là hơn 1.755.000 khối. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới đang có 11 mỏ khai thác cát sỏi lòng sông đã được cấp phép, với tổng trữ lượng hơn 1.150.000 khối và công suất khai thác hàng năm chỉ trên 200.000 khối, thấp hơn nhiều so với nhu cầu và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác trái phép”, ông Thông cho hay.
Theo ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế, qua các đợt giám sát, trong đó ở xã Thủy Bằng (TX Hương Thủy) người dân phản ánh "mỗi lần có đoàn kiểm tra liên ngành xuất hiện thì tình hình tạm lắng, sau đó thì rộn ràng lắm". Việc khai thác trái phép chủ yếu rơi vào ban đêm, nhất là sau 12h đêm đến gần sáng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn cho được tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hương, sông Bồ và các sông trên địa bàn tỉnh để chống sạt lở. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận