Thừa Thiên Huế đưa 5 tuyến buýt chất lượng cao không trợ giá vào hoạt động hồi tháng 9/2020 - Ảnh minh họa
Đáng chú ý, về hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, tỉnh nêu rõ quy định điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt theo quy định tại Điều 30 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT và được thể hiện trên nền GISHue để quản lý và thông tin cho hành khách đi xe buýt. Phải lắp đặt các thiết bị để hiển thị thông tin cho hành khách, camera để giám sát hoạt động.
Phương tiện hoạt động trên tuyến phải là xe ô tô buýt thành phố theo QCVN 10:2015/BGTVT, ưu tiên đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch; phải dành hai hàng ghế cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ có thai, có màu riêng, trên đó có ghi chữ “ghế dành riêng” hoặc biểu tượng.
Doanh nghiệp vận tải căn cứ vào biểu đồ chạy xe để bố trí đúng loại xe, số lượng xe chạy trên tuyến, có xe dự phòng.
Đối với các tuyến xe buýt liền kề có chiều dài từ 100 km trở lên, cho phép sử dụng xe khách không bố trí chỗ đứng.
Bên cạnh đó, xe buýt phải đảm bảo lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) theo quy định.
“Trước ngày 1/7/2021, xe buýt phải lắp camera giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Dữ liệu từ TBGSHT, camera phải được chia sẻ về máy chủ của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế”, quy định nêu rõ.
Thời gian hoạt động trong ngày của từng tuyến xe buýt được quy định trong biểu đồ chạy xe, đảm bảo tối thiểu 12 giờ/ngày.
Tần suất xe chạy đối với các tuyến xe buýt không được vượt quá 30 phút/lượt xe xuất bến; trong trường hợp đặc biệt, nếu tần suất vượt quá quy định phải được sự chấp thuận của Sở GTVT.
Quy định cũng nêu rõ, ngoài 2 loại vé lượt và vé tháng, doanh nghiệp xe buýt quyết định các loại vé cho các đối tượng ưu tiên với giá vé thấp hơn hoặc miễn phí. Khuyến khích áp dụng vé thông minh (vé điện tử) thay cho vé giấy.
Ngoài ra, quyết định về quy định quản lý hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế quy định xây dựng phần mềm ứng dụng xe buýt.
Cụ thể, trước 30/6/2021, doanh nghiệp xe buýt phải có trách nhiệm xây dựng phần mềm ứng dụng xe buýt để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin của người dân.
Ứng dụng xe buýt có cơ sở dữ liệu là thông tin trên các TBGSHT và camera lắp trên xe buýt. Thông tin từ TBGSHT và camera phải được truyền đồng thời về máy chủ của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên-Huế và Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng.
Quyết định ban hành Quy định quản lý hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 cũng quy định rõ trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.
Trong đó, Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh sử dụng các nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động xe buýt, xe taxi theo quy định.
Cân đối ngân sách địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh trong dự toán ngân sách hàng năm.
Sở TT&TT phối hợp với Ban ATGT tỉnh và Sở GTVT, các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng phương tiện VTHKCC, tạo sự đồng nhất trong cộng đồng dân cư đối với việc sử dụng các phương tiện này, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông và giảm thiểu TNGT.
Phối hợp với Sở GTVT trong việc triển các dịch vụ giao thông thông minh trên môi trường mạng mạng internet, mạng viễn thông…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận