Thông thường, cứ vào dịp Tết, mâm cỗ dù ở thành phố hay nông thôn, thịt lợn vẫn chiếm vai trò chủ đạo với các món giò chả, thịt đông, nem rán... Trước Tết, vài ba gia đình thân thiết trong xóm hay anh em trong họ lại í ới rủ nhau “ngả” chung một con lợn để ăn Tết.
Tuy nhiên, ông Phùng Phú Nhận, một cao niên trong làng Hạc Lâm (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Năm nay do dịch bệnh nên trong làng rất ít người nuôi lợn vì thế cũng giảm những hộ gia đình chung nhau thịt lợn để ăn Tết. Tiếng lợn kêu "eng éc" vào những ngày cận Tết vì thế cũng giảm đi nhiều ”.
Ông Phùng Phú Nghìn (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Mọi năm nhà tôi lúc nào cũng nuôi một con lợn để thịt vào dịp Tết, nhưng năm nay do dịch bệnh xuất hiện ở địa phương nên không dám nuôi vì vậy tết không có lợn thịt Tết. Giá thịt lợn ngoài chợ thì đắt, mà lại lo ngại không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên các nhà đều bảo nhau dùng các nguồn thịt gà ngan, cá, bò... thay thế bớt thịt lợn”.
Thường xuyên xay giò chả cho các hộ dân trong làng vào dịp cuối năm, ông Đồng Văn Tuấn (làng Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cũng đánh giá, năm nay, lượng người đến thuê ông xay giò, xay chả ít hơn rất nhiều.
“Tầm này (ngày 29 Tết) các năm khác từ sáng sớm người người đã mâm lớn mâm nhỏ thịt lợn đến xay giò, xay chả, nhưng năm nay thì vắng hơn nhiều. Nguyên nhân là do người dân trong làng ít nhà thịt lợn thay vào đó họ ra chợ mua. Còn nguyên nhân sâu xa là do dịch bệnh bùng phát nên lợn trong làng bị chết nhiều, ít nhà nuôi”.
Bà Phùng Thị Toán vợ của ông Đồng Văn Tuấn thì cho hay: “Các năm khác những ngày cuối năm nhà tôi xay hàng trăm ống giò một ngày cho dân làng. Hàng chục bếp luộc giò, luộc chả luôn luôn than hồng, lửa đỏ nhưng năm nay thì số lượng giảm đi 2/3”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận