Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng có chiều hướng gia tăng, với một số thời điểm chỉ số chất lượng không khí (ngưỡng giá trị AQI) lên đến mức cực đoan, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian ô nhiễm chủ yếu xảy ra từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM chủ yếu từ hoạt động giao thông vận tải, các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, sử dụng bếp than tổ ong...
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, khí thải từ các phương tiện giao thông chiếm khoảng 70% lượng ô nhiễm không khí hiện nay.
Chỉ riêng Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy và 800 nghìn ô tô. Như ô tô có kiểm định khí thải hàng năm, còn chúng ta đang thả nổi đối với xe máy.
Bộ GTVT hiện đang trình Chính phủ các phương án để từ năm 2025 có lộ trình để kiểm soát khí thải xe máy. Tuy nhiên, với tốc độ tăng xe máy từ 10 -15% mỗi năm, chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi sang giao thông xanh.
"Bên cạnh ưu tiên thúc đẩy sử dụng ô tô điện, xe máy điện… cơ quan chức năng cần phải tìm kiếm phương án để chuyển đổi những phương tiện mà chúng ta quen gọi là xe máy xăng, hay máy dầu sang động cơ xe điện.
Chúng ta phải có sự quyết tâm, phải xác định đó là vấn đề ưu tiên. Để thúc đẩy giao thông xanh, Nhà nước cũng phải ban hành các chính sách ưu đãi về tài chính như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất ngân hàng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe điện", ông Tùng góp ý.
Trong những năm qua, nhiều sáng kiến về "xanh hóa" giao thông đã và đang được các tỉnh, thành triển khai tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Tại Hà Nội những năm gần đây, phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
Đặc biệt, thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025-2030, với việc vận hành các tuyến đường sắt trên cao như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội (giai đoạn đầu từ Nhổn tới Đại học Giao thông vận tải), hay hệ thống xe bus xanh của Tập đoàn Vingroup.
Từ năm 2022 đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã bố trí hơn 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại các quận nội thành, trong khi TP.HCM cũng sử dụng nhiều loại hình giao thông xanh như xe đạp công cộng, xe buýt chạy điện, đường sắt đô thị, hệ thống xe bus nhanh, mini bus thân thiện với môi trường...
PM là các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, có thể xâm nhập sâu vào phổi và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam QCVN 55:2023/BTNMT ban hành ngày 13/3/2023 về chất lượng không khí, giá trị giới hạn tối đa PM trung bình 24 giờ trong không khí xung quanh là 50 µg/m³.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận