Thị trường

Thúc đẩy lao động Việt Nam sang thị trường UAE

30/10/2024, 16:44

Hiện chỉ có khoảng 4.500 lao động Việt Nam làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các cơ quan chức năng đang thảo luận nhằm thúc đẩy tiếp nhận lao động Việt Nam sang quốc gia Trung Đông.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Đông, tiếp theo buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nguồn Nhân lực UAE, chiều 28/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại UAE phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của nước sở tại tổ chức Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp hai nước về hợp tác lao động.

Thúc đẩy lao động Việt Nam sang thị trường UAE - Ảnh 1.

Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - UAE về hợp tác lao động nhằm thúc đẩy lao động Việt Nam sang UAE.

Diễn đàn có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của UAE cũng như các doanh nghiệp phái cử lao động Việt Nam hoạt động lâu năm tại thị trường Trung Đông.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp hai bên đã trao đổi và thống nhất những nội dung cụ thể về nhu cầu, loại hình lao động tiếp nhận, yêu cầu đối với người lao động (về trình độ ngoại ngữ, tay nghề và kinh nghiệm…), điều kiện làm việc, thu nhập và chế độ phúc lợi, việc quản lý lao động trong thời gian làm việc tại UAE, khả năng cung ứng lao động của doanh nghiệp Việt Nam cũng như những vấn đề khác cùng quan tâm.

Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cho biết, hiện có khoảng 4.500 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại UAE, ngành nghề chủ yếu là xây dựng, cơ khí, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sắc đẹp... Trong đó, số lượng đi qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 3.000 người.

Đánh giá cao những nỗ lực hợp tác, kết nối của các doanh nghiệp hai nước trong thời gian qua, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận, UAE là một thị trường lao động tiềm năng về cơ hội làm việc, học tập, tiếp thu những kỹ năng, kiến thức chuyên môn cao để hoàn thiện và phát triển bản thân, có được mức thu nhập cao trong tương lai.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hai bên luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp hai bên kết nối, hợp tác và phát triển, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính liên quan trong việc phái cử và tiếp nhận lao động, phù hợp với tình hình và điều kiện trên thực tế của mỗi bên, góp phần đóng góp vào thành công chung của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Nguồn Nhân lực UAE Abdulrahman Abdulmannan Al-Awar đã có buổi làm việc song phương nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bộ trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi về tình hình lao động Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là nhu cầu của thị trường lao động trong nước và các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc,...cùng những tiềm năng, lợi thế nổi bật của lao động Việt Nam và những yêu cầu về mức lương, điều kiện lao động mà doanh nghiệp cần đáp ứng. Tuy nhiên, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn và tiềm năng của hai bên.

Trên cơ sở đó, hai bên cùng thảo luận và đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy triển khai Bản Ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực nhân lực ký giữa hai Bộ tháng 12/2023. Hai bên thống nhất sẽ thành lập Nhóm Công tác chung với cơ chế gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để đánh giá kết quả hợp tác, trao đổi và thống nhất các biện pháp phối hợp cụ thể trong thời gian tới, đặc biệt là giảm thiểu tối đa các thủ tục liên quan trong việc phái cử và tiếp nhận lao động, phù hợp với tình hình và điều kiện trên thực tế của mỗi Bên, góp phần hiện thực hoá mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực lao động và việc làm, tương xứng với mức độ quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.