Xã hội

Thực hiện “quyền im lặng”, án oan sai sẽ giảm

06/04/2015, 06:28

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP HCM, im lặng không có nghĩa là ngoan cố mà để tránh oan sai.

122
Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Quy định này được cho là sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng bức cung, nhục hình, án oan sai.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có khá nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định về quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ. Dự thảo này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, khai mạc sáng nay (6/4), trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp giữa tháng 5 sắp tới. Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP HCM.

Im lặng không đồng nghĩa với ngoan cố

Theo ông, “quyền im lặng” nên được hiểu như thế nào?

Về nghĩa đen, quyền im lặng xuất phát từ một án lệ của Mỹ, và sau này cũng trở thành luật của Mỹ. Nội dung cơ bản là “Anh được quyền im lặng cho đến khi luật sư của anh đến, trong lúc đó, anh vẫn có quyền khai báo, nhưng những gì anh khai báo có thể dùng để chống lại anh trước tòa”. Ở Mỹ, khi cảnh sát và nhân viên điều tra tiến hành bắt tội phạm đều luôn nói như vậy. Xét ở góc độ rộng hơn, nội hàm của quyền im lặng bắt nguồn từ quy định chung của luật pháp hình sự quốc tế, gồm ba nội dung cơ bản: Những người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền có ngay luật sư, được gặp luật sư, được luật sư trao đổi, tư vấn riêng tư; không có nghĩa vụ phải khai báo những gì bất lợi cho mình và không có nghĩa vụ phải thú nhận tội. Những nội dung này cũng hoàn toàn khớp với “quyền im lặng”, với án lệ của Mỹ. Và sau Mỹ cũng đã có rất nhiều nước áp dụng điều này.

Nhưng có ý kiến cho rằng, quyền im lặng đồng nghĩa với việc khuyến khích các bị can, bị cáo giữ im lặng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra?

Quyền im lặng bắt nguồn từ quyền cơ bản của con người. Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia cũng quy ước rất rõ về ba điều trên. Quyền im lặng ở đây chúng ta gọi quá vắn tắt nên mới gây hiểu lầm rằng, nó khuyến khích người ta không khai báo, khuyến khích người ta không nói gì cả để gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Nhưng thực chất không phải như vậy, quyền im lặng không hề có nghĩa là bảo anh cứ im thin thít không nói gì cả, mà nó chính là ba nội dung đã nêu trên.

Tức là, nếu chưa có luật sư đến thì tôi có quyền không khai, vì tôi không có hiểu biết gì về pháp luật, nếu tôi khai lơ mơ thì chắc chắn sẽ bất lợi cho tôi. Việc không khai những gì bất lợi cho mình cũng không có nghĩa là giấu tội, bởi nếu có luật sư tư vấn thì các bị can, bị cáo mới biết cách khai đúng sự thật. Cũng là để tránh trường hợp bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình...

121
Nếu quyền im lặng được thực hiện, chắc chắn những vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được hạn chế

Không thực hiện, án oan sai sẽ còn tăng

Theo ông, vì sao đến nay quyền im lặng vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam?

Ở Việt Nam đang xây dựng luật và nó nằm trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) mà TVQH đang cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Trong đó có nói đến quyền có luật sư, nhưng không nói đến việc có quyền gặp và trao đổi riêng với luật sư, trong khi các nước người ta quy định rất rõ. “Quyền có luật sư” ở nước ta cũng bị gây trở ngại rất nhiều, tức là trong thời gian đầu bị bắt, luật sư hầu như không được vào gặp các bị can, bị cáo, trong khi đáng ra phải được gặp.

Ở nước ngoài, khi anh bắt tôi, anh phải nói rõ tôi phạm tội gì, tôi sẽ không nói gì cả, tôi đề nghị gặp luật sư trước. Nhưng ở Việt Nam, khi anh bắt tôi, anh ép tôi phải khai ngay. Tuy luật có nói là trong trường hợp tạm giữ thì có quyền có luật sư trong 24h, còn nếu bị khởi tố thì có quyền có luật sư trong ba ngày, nhưng việc vi phạm thời hạn trên, việc không cho người bị bắt, bị can gặp mặt luật sư là vẫn xảy ra.

Theo ông, nếu đưa quyền này vào luật thì việc thực hiện sẽ gặp phải khó khăn gì?

Khó khăn duy nhất là nó đòi hỏi một trình độ cao hơn đối với đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư… Từ trước đến nay, lẽ ra đây là quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo nhưng chúng ta chưa thực hiện. Còn khó khăn về phía Nhà nước thì Nhà nước sẽ phải chấp nhận và khắc phục, vì đây là một điều tiến bộ nhằm chống oan sai, chống bức cung, nhục hình.

Thay vì anh ngồi đó mớm cung, bức cung, dùng nhục hình thì anh phải đi điều tra, giám định, phải đấu trí, tìm cách khai thác thông tin, thu thập các dấu vết ở hiện trường để làm sao tìm ra sự thật. Trong trường hợp này, nếu trình độ yếu kém thì không thể phát hiện được tội phạm. Nên chắc chắn khi áp dụng quyền này, có thể có người đáp ứng được, có người không, có người cần đi học thêm, nhưng cũng có người bị loại vì không làm nổi.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.