Một khi có một kết luận chính thức Coca Cola hay Adidas có chuyển giá, trốn thuế không, con số cụ thể là bao thì có lẽ người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cách cư xử khác, một quan điểm khác.
Ảnh chế trên mạng xã hội yêu cầu Coca Cola hãy đóng thuế. |
Người tiêu dùng quên “quyền lực thứ 5”
Nhiều ngày sau chiến dịch PR quảng cáo hết sức thông minh, đánh vào tâm lý người tiêu dùng trẻ Việt Nam, Coca Cola đã hết sức thành công khi khiến người tiêu dùng rơi vào tình trạng “khát” sản phẩm tới mức phải săn lùng, thậm chí đặt trước các lon Coca có tên riêng theo sở thích.
Ở một khía cạnh khác, một nhóm người tiêu dùng đã tẩy chay sản phẩm của hãng này này vì cho rằng một công ty hoạt động tại Việt Nam, doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng trên cơ sở tài nguyên, nhân lực giá rẻ… mà 20 năm qua chưa đóng một đồng thuế. Làn sóng tẩy chay này rộ lên trên các trang mạng xã hội nhưng dường như đã bị cuốn đi, bị áp đảo bởi “cơn khát” của người tiêu dùng cùng với những chiêu PR của Coca Cola hàng ngày trên báo chí.
Bình luận về việc này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng không nên vội trách người tiêu dùng. Ông cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam chưa từng được học, được khuyến nghị hay ít ra là có được lời khuyên từ cơ quan quản lý về cách hành xử với sản phẩm của doanh nghiệp trong nghi án chuyển giá, trốn thuế như trường hợp của Coca Cola.
Ông cũng cho rằng, do không hiểu bản chất vấn đề nên người tiêu dùng mới chạy theo thị yếu. Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng tự buông tay vũ khí “quyền lực thứ 5” của mình – quyền tẩy chay sản phẩm.
Sao chưa công bố?
Cách đây hơn 1 năm khi câu chuyện chuyển giá, trốn thuế của các đại gia FDI lùm xùm đã tạo nên một làn sóng bất bình, tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp trong diện nghi án. Khi đó, trao đổi với PV, một lãnh đạo ngành thuế tiết lộ, không phải ngành thuế Việt Nam bất lực, không làm được gì các doanh nghiệp FDI này mà là họ đang cẩn trọng và lặng lẽ làm để từng bước đưa các hành vi chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp trong diện nghi án ra ánh sáng. Đến nay, câu chuyện Coca Cola một lần nữa trở thành tâm điểm cũng chưa thấy đại diện ngành này lên tiếng.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành quay lại vấn đề và cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. Người tiêu dùng hiện chỉ biết hai luồng ý kiến qua phương tiện truyền thông: Coca Cola chuyển giá, trốn thuế và Coca Cola đóng thuế đầy đủ.
Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ cách đây hơn một năm và ngay cả khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gặp mặt chủ tịch Coca Cola tại Mỹ hồi năm ngoái cũng vẫn khẳng định: Động thái né đóng thuế cho Việt Nam thông qua việc chuyển giá của hai ông lớn Coca Cola và Adidas đã làm xấu đi hình ảnh của hơn 14.500 doanh nghiệp FDI tại dải đất hình chữ S.
Nhưng sau hơn 1 năm, dù nhiều lần thông điệp này được nhắc lại nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc Coca Cola có chuyển giá hay không? Chỉ có một giải thích duy nhất của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” về vấn đề này đã cho rằng, do doanh nghiệp FDI có nguồn cung ứng từ các công ty mẹ nằm ở nước ngoài và sản phẩm sau khi hoàn thành ở nước sở tại cũng được xuất ra thị trường công ty mẹ. Đây là chu kỳ khép kín của doanh nghiệp FDI nên việc kiểm tra chi phí đầu vào và giá đầu ra không đơn giản.
Vì vậy, khi mọi chuyện chưa rõ ràng thì một bộ phận người tiêu dùng bị “mê hoặc” theo các chiêu PR của Coca Cola hay các ông lớn nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng là điều khó tránh.
Một khi có một kết luận chính thức Coca Cola hay Adidas có chuyển giá, trốn thuế không, con số cụ thể là bao thì có lẽ người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cách cư xử khác, một quan điểm khác. Điều này cũng là công bằng đối với hơn 14.500 doanh nghiệp FDI đang đầu tư làm ăn chân chính tại Việt Nam.
Cao Sơn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận