Kỷ lục thảm nhựa 75km nhanh nhất
Thực chất thời gian 5 ngày kể trên là chỉ tính thời gian thảm nhựa, không nói đến thời gian lập kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, xử lý đất nền….
Giới chức Ấn Độ, đặc biệt Bộ trưởng Giao thông đường bộ và đường cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari ca ngợi đây là thành tích xuất chúng, thể hiện quyết tâm lớn của chính quyền Ấn Độ nói chung, Cơ quan Đường cao tốc Ấn Độ (NHAI) và nhà thầu tư nhân Rajpath Infracon làm việc đêm, ngày để có thể thực hiện công trình phá vỡ kỷ lục Guiness.
Kỷ lục trước đó do Doha, Qatar xác lập, với 10 ngày thảm nhựa 27,25km đường cao tốc.
Quá trình trải thảm nhựa cho con đường dài 75km
Hơn nữa, đây còn là biểu tượng cho thấy chỉ cần quyết tâm cao, Ấn Độ có thể thực hiện được những điều dường như không tưởng. Bởi đoạn đường dài 75km này nằm trên đường Quốc lộ 53 kết nối hai thành phố Amravati và Akola, thuộc bang Maharashtra và đây chính là nơi phải chịu điều kiện đường yếu kém, kéo dài suốt hơn 10 năm qua.
Trong thời gian đó, đã có không ít lần chính quyền nỗ lực giao công tác sửa chữa, bảo trì đường cho ít nhất 3 nhà thầu nhưng họ liên tục trì hoãn đến mức người dân địa phương phải chuyển sang sử dụng con đường khác.
Thậm chí, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari từng rất bất mãn vì tốc độ triển khai dự án quá chậm.
Nay, dự án được giao cho nhà thầu tư nhân Rajpath Infracon - một đơn vị giàu kinh nghiệm, từng nhiều lần thực hiện những dự án phá kỷ lục thế giới tương tự.
Huy động tối đa công nghệ, nhân lực, phục vụ ăn ngay tại chỗ
Ngay từ đầu, Chính quyền Ấn Độ đã xác định sẽ thực hiện công trình này để lập kỷ lục Guiness thế giới nên đã lên kế hoạch, chuẩn bị vật tư, dồn nhân lực sẵn sàng cho quá trình thực hiện.
Ấn Độ huy động 800 nhân viên của NHAI và hơn 700 công nhân, kỹ sư, nhà quản lý bao gồm quản lý dự án, kỹ sư đường bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, kỹ sư an toàn… cho dự án.
Giám đốc Quản lý của Rajpath Infracon - ông Jagdish Kadam cho biết, công ty đã đưa vào sử dụng những công nghệ tối tân nhất trong xây dựng đường bộ, lượng lớn máy móc và hơn 34.000 tấn nhựa đường.
Để kịp tiến độ, công ty Rajpath Infracon đã chuẩn bị hơn 1.000 suất ăn, dùng tới 11.000 chiếc bánh dẹt, 220 lít súp đậu và 280kg rau/mỗi ngày để công nhân làm việc trực tiếp tại hiện trường.
Hoạt động thảm nhựa bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 3/6 và hoàn tất vào ngày 7/6. Theo tờ Times of India (TOI), thông thường để thảm nhựa một con đường như thế này thường mất khoảng 6 tháng.
Suốt quá trình thực hiện, một uỷ ban gồm 22 chuyên gia của Tổ chức Kỷ lục Guiness được cử tới hiện trường, chia thành 3 ca để giám sát liên tục.
Trên diễn đàn về ô tô nổi tiếng của Ấn Độ Team-BHP, nhiều cư dân mạng nước này bày tỏ vui mừng và tự hào khi đất nước lập kỷ lục về thảm nhựa 75km đường nhanh nhất thế giới.
Song, cũng có không ít cư dân mạng như tài khoản tên “Rohan265” thắc mắc rằng: “Mặc dù thành tựu này rất đáng hoan nghênh nhưng có lẽ chúng ta chưa nên gọi đó là đường. Một con đường không chỉ đơn thuần là bề mặt được thảm nhựa mà cần nhiều hơn thế. Đã là đường, đặc biệt là đường cao tốc, cần có biển chỉ dẫn, vạch kẻ làn đường… Nhưng ở đây, qua hình ảnh do truyền thông đăng tải, tôi chưa thấy có”.
Sách Kỷ lục Guiness cũng nhấn mạnh đây là "đoạn bê tông được thảm nhựa liên tục dài nhất" chứ không gọi đó là đường – tài khoản Rohan265 nhấn mạnh.
Quốc lộ 53 của Ấn Độ là hành lang đông tây quan trọng, kết nối các thành phố lớn như Kolkata, Raipur, Nagpur, Akola, Dhule và Surat và đi qua một vùng giàu khoáng sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận