Bóng đá

Thực hư chuyện bóng đá nữ Việt Nam "bụng đói đi World Cup"

10/02/2022, 16:45
image

Bóng đá nữ Việt Nam thành công liệu có phải là câu chuyện "bụng đói đi World Cup"?

Không có sự phân biệt giữa đội tuyển nam và nữ

Sau tấm vé dự World Cup của đội tuyển nữ Việt Nam, đông đảo người hâm mộ thể hiện sự cảm phục các cô gái vàng.

Nhiều ý kiến cho rằng bóng đá nữ không được đầu tư như bóng đá nam nhưng lại hoàn thành mục tiêu World Cup trước. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào?

img

Đội tuyển Việt Nam về nước ngày 10/2. Ảnh VFF

Theo thông tin Báo Giao thông có được, mỗi năm Tổng cục TDTT đều hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với các đầu mục cụ thể như: Tiền công, tiền ăn cho các đội tuyển tập huấn, thi đấu hay tiền vé máy bay di chuyển.

Với nguồn ngân sách này, đội tuyển nữ và đội tuyển nam nhận mức hỗ trợ như nhau theo quy định của ngành thể thao.

Ngoài ra, việc cải tạo cơ sở vật chất, thuê chuyên gia, chi phí ăn ở khi tập huấn nước ngoài, tổ chức thi đấu… đều do VFF huy động từ nguồn xã hội hóa.

Một lãnh đạo VFF khẳng định, mọi chế độ dành cho các đội tuyển nữ Việt Nam đều giống đồng nghiệp nam, không có sự phân biệt nào.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hùng, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF cho rằng, nói bóng đá nữ không được quan tâm đầu tư là chưa chính xác.

“Trong điều kiện của mình, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, VFF đều có sự phân bổ sao cho phù hợp từ cấp đội tuyển quốc gia các cấp đội tuyển trẻ.

Ngoài đầu tư trọng điểm cho đội tuyển nữ quốc gia, VFF đã và đang duy trì thường xuyên hai đội dự tuyển nữ quốc gia để cùng các CLB tạo nguồn kế cận cho đội tuyển quốc gia.

Bên cạnh đó, kinh phí huy động được còn được sử dụng tổ chức các giải bóng đá nữ quốc gia”, ông Hùng thông tin.

Riêng về phần các CLB, VFF chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn và định hướng phát triển chứ chưa thể hỗ trợ kinh phí.

“Một số đội bóng nữ có nhà tài trợ ổn định nhưng số khác lại khá bấp bênh. Với những đội bóng như vậy, chúng tôi nỗ lực vận động thêm sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân”, ông Hùng nói thêm.

Dù vậy, bản thân ông Hùng cũng thừa nhận, về tổng thể, mức độ quan tâm của xã hội với bóng đá nữ ít hơn nhiều so với bóng đá nam nên đòi hỏi bóng đá nữ có điều kiện ngang bóng đá nam là điều rất khó.

img

Lãnh đạo VFF chào mừng HLV Mai Đức Chung và các học trò về nước sau chiến tích giành vé dự World Cup

Phải biến bóng đá nữ thành sản phẩm hot

Nói về giải pháp để phát triển bóng đá nữ Việt Nam trong tương lai, ông Hùng nhấn mạnh đây không thể là bài toán của một tổ chức hay cá nhân nào mà phải cần sự chung tay của Chính phủ, ngành thể thao, VFF và toàn xã hội.

“Các cầu thủ nữ thiệt thòi nhưng nỗ lực lại ít được ghi nhận. Ngay như khi đón đội tuyển từ Ấn Độ trở về, có rất ít người hâm mộ góp mặt.

Tôi cho rằng dự World Cup có thể là thời cơ tốt để bóng đá nữ Việt Nam thu hút thêm sự đầu tư và quan tâm từ xã hội. Vấn đề là chúng ta cần một chương trình hành động cụ thể”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và tài trợ VFF đánh giá, muốn bóng đá nữ phát triển, nhận được nhiều nguồn lực từ xã hội thì bản thân bóng đá nữ phải trở thành sản phẩm hot.

“Hiện nay bóng đá nữ chưa có sự phát triển rộng khắp như bóng đá nam mà chỉ tập trung ở một vài địa phương. Tính phổ biến ít thì đương nhiên sự quan tâm cũng ít. Thậm chí các bậc phụ huynh còn ngại cho con gái theo đuổi đam mê.

Tôi rất kỳ vọng đề án bóng đá học đường do Bộ GD&ĐT và VFF nghiên cứu, triển khai sẽ tạo tiền đề để bóng đá nữ được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành.

Khi thật sự có sự quan tâm của xã hội, bóng đá nữ sẽ dễ thu hút tài trợ, có nguồn tài chính để tái đầu tư chuyên sâu, nâng cao từ kỹ năng tới thể chất”, ông Thành phân tích.

Cũng theo ông Lê Văn Thành, VFF sẽ hướng tới xây dựng các gói sản phẩm đặc biệt gắn liền với đội tuyển nữ để đẩy mạnh việc marketing, vận động tài trợ, trong đó chiến dịch World Cup 2023 là trọng tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.