Bạn cần biết

Thực hư “lệnh” cấm gây tê tủy sống sản phụ sinh mổ?

05/07/2017, 11:02

Thời gian gần đây, thông tin thiếu chính xác về khuyến cáo của Bộ Y tế không áp dụng gây tê tủy sống...

29

Gây tê tủy sống cho thai phụ, được đánh giá là phương pháp phù hợp nhất hiện nay - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉ không áp dụng với thai phụ sản giật…

Cuối tháng 6, Bộ Y tế ban hành công văn gửi các cơ sở y tế về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai. Trong đó nêu rõ, sau khi tiến hành theo dõi, giám sát và thẩm định những trường hợp sản phụ tử vong tại các địa phương, cũng như tiếp thu ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy, trong số các trường hợp mổ lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên những sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

"Hiện, trên thế giới và cả trong nước có tới 95% các ca mổ bắt con được bác sĩ lựa chọn phương pháp gây tê tủy sống cho thai phụ. Đây được đánh giá là phương pháp phù hợp nhất hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho thai phụ, Bộ Y tế thấy cần thiết phải có khuyến cáo sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản cho các sản phụ vốn không khỏe, cho dù con số này chỉ khoảng 5%”.

Thứ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Viết Tiến

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị y tế trên toàn quốc (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Y tế trực thuộc Bộ Công an; Cơ quan y tế của các bộ, ngành) chỉ đạo các đơn vị y tế có triển khai phương pháp phẫu thuật bắt con (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập) áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với những sản phụ nói trên, không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với sản phụ đẻ mổ.

Tuy nhiên, qua nhiều nguồn khác nhau, thông tin đến “tai bà bầu” lại thành “cấm không dùng phương pháp gây tê tủy sống” khiến nhiều người thắc mắc. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Hoàng Mai H. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Lần sinh trước, mình đã được các bác sĩ BV Phụ sản T.Ư gây tê tủy sống để mổ bắt con. Giờ lại nghe thông tin cách làm đó hiện bị cấm vì dễ khiến sản phụ đối mặt với nguy cơ tử vong. Thật mình chưa hiểu thế nào, rất sốt ruột vì còn hơn tháng nữa mình sinh con rồi”.

Trước những hiểu lầm này, ngày 4/7, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Việc thay thế bằng phương pháp gây mê nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với các sản phụ có nguy cơ tai biến cao như: Suy đa tạng, rối loạn đông máu, ngừng tim, tắc mạch ối, tiền sản giật, rau bong non… trong quá trình đẻ mổ. Nhóm sản phụ này nếu áp dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai, thường bị chảy máu nhiều và tụt huyết áp, rất nguy hiểm, thậm chí mất mạng sống”.

Các bác sĩ nói gì về gây tê khi mổ đẻ cho sản phụ?

Theo BS. Phạm Trung Nghĩa, Khoa Gây tê hồi sức, BV Hồng Đức (TP.HCM), các trường hợp rau bong non, rau cài răng lược… lựa chọn phương pháp gây mê nội khí quản cho sản phụ là hoàn toàn hợp lý. So với gây mê nội khí quản, phương pháp gây tê tủy sống để mổ lấy thai (trên nền sản phụ khỏe) được thực hiện nhiều hơn với nhiều ưu điểm như: Sản phụ tỉnh táo, em bé sinh ra khóc nhanh, phổi hoạt động tốt hơn, không có nguy cơ suy hô hấp vì khi gây mê nội khí quản thuốc mê cũng có thể ngấm vào em bé.

Còn theo BS. Hoàng Văn Bách, Khoa Gây mê hồi sức, BV Bưu Điện, có đến 90% ca mổ đẻ tại viện được áp dụng phương pháp gây tê tủy sống cho sản phụ. Phương pháp này chỉ gây tê vùng thắt lưng trở xuống, do vậy, thuốc tê hoàn toàn không qua nhau thai làm ảnh hưởng đến em bé, tuy có tác dụng phụ như chậm nhịp tim, hạ huyết áp nhưng đều dễ dàng kiểm soát được.

Đồng tình với chủ trương của bộ về chuyển đổi phương pháp gây tê với một số trường hợp sản phụ, nhưng BS. Bách cũng cho hay, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện gây mê nội khí quản như quy định được. Ví như trường hợp thai phụ tiền sản giật, rau tiền đạo bán trung tâm, nhưng lại bị bướu cổ hoặc bị viêm đốt sống cằm không thể há miệng ra để đặt nội khí quản. Theo BS. Bách, hai phương pháp gây tê tủy sống và gây mê nội khí quản khi mổ đẻ đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Vì thế, phải dựa vào tình hình thực tế trên từng người bệnh để lựa chọn phương pháp an toàn, phù hợp và có lợi nhất cho người bệnh.

Trước những băn khoăn của cả người bệnh và cán bộ y tế, Thứ trưởng Tiến khẳng định: “Việc ban hành văn bản này tới các cơ sở y tế là một khuyến cáo, đặc biệt là đối với các Khoa Sản ở tuyến dưới. Nơi vốn thi thoảng vẫn có sự lựa chọn sai lầm (gây tê tủy sống) đối với sản phụ vốn có nhiều nguy cơ gây chảy máu, bệnh lý đặc biệt… Tuy nhiên, không phải bắt buộc tuyệt đối, những thai phụ có nguy cơ cao như đã nêu, lại kèm thêm các bệnh lý khác, cần phải hội chẩn để tìm giải pháp tối ưu nhất với mục tiêu là sự an toàn của sản phụ và thai nhi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.