Y tế

Thực hư thử vaccine BCG ngừa lao cho 800 bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19

20/04/2020, 18:03

Hiện Bộ Y tế hiện chưa tiếp nhận hồ sơ nghiên cứu lâm sàng thử nghiệm tiêm vaccine BCG ngừa lao cho 800 bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19.

img
Bộ Y tế chưa phê duyệt thử nghiệm vaccine BCG cho 800 bác sĩ tuyến đầu chống dịch bệnh Covid-19

Gần đây, thông tin 800 bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19 và những người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính sẽ được tiêm thử nghiệm vaccine phòng lao BCG, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước đó, trên báo chí nước ngoài cũng đã nhắc đến thông tin vaccine BCG có khả năng giảm sự tấn công của Covid-19 trên cơ thể bệnh nhân.

Cách đây ít ngày, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu thử nghiệm tiêm vaccine BCG ngừa lao cho 800 bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19, bao gồm BV Bệnh nhiệt đới TƯ (Hà Nội), BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và một số bệnh viện khác.

Theo PGS Nhung, trên thế giới hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vaccine BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi, để đánh giá mối liên quan giữa vaccine BCG và bệnh Covid-19. Hiện, bệnh viện đang lên kế hoạch thực hiện nghiên cứu này với sự phối hợp của các chuyên gia Pháp để sớm thử nghiệm trên lâm sàng.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nghiên cứu kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân mắc Covid-19 đã từng tiêm BCG để có thêm dữ liệu đối chiếu, phân loại.

"Việc tiêm nhắc lại vaccine BCG không vì mục đích để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 hay giảm nguy cơ mắc loại virus này như nhiều người đang hiểu nhầm. Mục đích chính là để so sánh chỉ số miễn dịch so với nhóm không tiêm", ông Nhung từng chia sẻ như vậy.

Trước các thông tin này, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, đã có công văn gửi BV Phổi TƯ về việc đề xuất nghiên cứu khả năng sử dụng vaccine BCG trong phòng, chống dịch COVID-19; Đồng thời, phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ xem xét, đề xuất định hướng nghiên cứu và phương án triển khai ứng dụng vaccine này.

Tuy nhiên, hiện các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Do đó, nghiên cứu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Ông Quang cũng cho biết, theo quy định trước khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, triển khai, tất cả nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người đều phải được Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, hướng dẫn và chấp thuận về đạo đức và khoa học.

Trong quá trình triển khai, hội đồng này sẽ theo dõi, giám sát các nghiên cứu trong việc tuân thủ đề cương và các quy định về đạo đức trong nghiên cứu; đánh giá việc ghi nhận, báo cáo, xử lý các biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình nghiên cứu.

Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã thực hiện tiêm vaccine ngừa lao cho mọi trẻ em dưới 1 tuổi từ năm 1984.

Từ năm 1989, tỉ lệ tiêm đã tăng lên trên 90% và được duy trì liên tục đến nay với khoảng 1,5 – 1,8 triệu liều mỗi năm.

Như vậy, đã có khoảng 44 triệu người Việt Nam sinh ra từ năm 1989 đến nay đã được tiêm vaccine BCG.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.