Chưa ghi nhận biến thể Covid-19 mới
Với số ca mắc Covid-19 tăng trong những ngày vừa qua nhiều người lo ngại có hay không việc xuất hiện biến thể mới?
Trả lời cho câu hỏi này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho biết: Đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác.
khu điều trị cách ly Covid-19 tại BV Thanh Nhàn
Hệ thống giám sát các nước đều vào cuộc, xét nghiệm giải trình tự gene cập nhật để các nhà khoa học tham khảo. Hiện nay, người ta thấy chủ đạo hầu hết là Omicron, các biến thể phụ xuất hiện nhiều nhưng không làm gia tăng ca nặng.
Theo ông Lân, tại Việt Nam biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế, chưa ghi nhận biến thể mới. Cho tới nay, các biến thể của virus cho thấy có sự lây lan nhanh, và chưa có bằng chứng làm tăng các ca bệnh nặng. Thực tế cho thấy trong tháng 4 số bệnh nhân nặng phải nhập viện còn thấp hơn so với tháng 3.
Theo báo cáo kết quả giám sát biến chủng của Tổ chức Y tế thế giới tuần qua, biến thể XBB.1.5 chiếm tỉ lệ 47,1% trong các trường hợp nhiễm bệnh.
Đến nay biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia. Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron xuất hiện trên thế giới từ tháng 10/2022.
Tại Việt Nam, biến thể XBB.1.5 xuất hiện từ tháng 1 năm nay và cũng được Bộ Y tế cảnh báo biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn.
Theo WHO, XBB.1.5 có tốc độ lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu có khiến bệnh nặng hơn hay không cũng như tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.
Các dữ liệu tính đến thời điểm hiện tại cho thấy, XBB.1.5 không gây ra triệu chứng khác biệt so với các chủng Covid-19 gần đây.
Với biến thể Omicron, vắc xin Covid-19 hạn chế tác dụng trong phòng lây nhiễm, nhưng vẫn hiệu quả phòng số ca nặng, tử vong. Do vậy, việc tiêm vắc xin vẫn cần phải tiếp tục được thực hiện đặc biệt là ở nhóm người có nguy cơ cao.
BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khẳng định, thông tin xuất hiện biến thể mới là chưa đúng.
Thời gian gần đây, bệnh nhân Covid-19 vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị có gia tăng với khoảng 100 bệnh nhân, trong đó có 15 ca nặng phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Qua theo dõi, các bệnh nhân vào viện đợt này, độc lực của virus không hề cao bất thường so với giai đoạn trước đó. Các trường hợp diễn biến nặng đa số vẫn là người cao tuổi, người có bệnh nền.
Duy trì khẩu trang và khử khuẩn để phòng Covid-19
Theo ông Lân, việc phòng chống lây nhiễm Covid-19 vẫn cần phải tập trung vào đối tượng nguy cơ cao bao gồm: nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… Mục tiêu giảm tình trạng nhập viện, tử vong do mắc Covid-19.
Để kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết các biện pháp phòng chống, không hoang mang nhưng không được chủ quan.
Người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, trong môi trường kín nên đeo khẩu trang. Các đối tượng còn lại khi đến cơ sở y tế, đi trên phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang.
Việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận