Tiệc tùng, sử dụng rượu, bia có chừng mực sẽ tránh được các nguy cơ gây hại cho cơ thể. Ảnh: Tạ Hải
Không ít viên giải rượu dưới mác thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp “xả” nhanh lượng cồn trong máu, uống lâu say hơn cũng như giải say nhanh chóng. Thậm chí, còn có tác dụng bổ gan…
“Thần dược” ngàn ly không say?!
Khảo sát nhanh trên thị trường, hiện có hàng trăm loại sản phẩm giải rượu có xuất xứ từ Mỹ, Nga, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, với các mức giá đa dạng từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng.
Chính vì lầm tưởng viên giải rượu là thuốc tốt mà nhiều người cứ vô tư uống rượu rồi dùng nó để hóa giải. Nhưng thực tế, khi đã uống rượu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gan và hệ thần kinh và viên giải rượu không có tác dụng thần kỳ bảo vệ những cơ quan dễ tổn thương này.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Hầu hết đều được giới thiệu có chức năng giải rượu “thần kỳ”. Điển hình như Viên uống giải rượu Three Turmerics Noguchi được quảng cáo “điều chế từ 3 loại nghệ giàu hoạt chất Curcumin giúp làm tan độ cồn trong máu, thanh lọc cơ thể và hỗ trợ đào thải độc tố, bảo vệ gan khỏe mạnh, cơ thể tươi trẻ. Bên cạnh đó, viên uống còn giúp củng cố hoạt động hệ tiêu hóa, làm lành nhanh vết thương ở dạ dày, gan...”.
Hoặc như viên kẹo giải rượu Hàn Quốc được quảng cáo “ngàn ly không say”, thành phần chính là Curcumin 30mg (tinh chất bột nghệ) và củ sả giúp “xả” nhanh lượng cồn trong máu, từ đó giúp uống lâu say hơn, cũng như giải say nhanh chóng.
Cách sử dụng cũng được hướng dẫn chi tiết: “Nhai trước, trong và sau khi uống rượu 1 - 3 viên/lần; Hoặc ăn trước khi uống 15 phút để tăng tửu lượng và một gói sau ăn để giải rượu”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Đào Việt Hằng, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết: “Hiện, trên thị trường có nhiều sản phẩm “giải rượu” nhưng chủ yếu không được đăng ký dưới dạng thuốc mà chỉ là thực phẩm chức năng. Thành phần trong các viên giải rượu chủ yếu là các loại vitamin nhóm B, các thảo dược có tác dụng tráng men dạ dày… Chính vì vậy, người sử dụng cần lưu ý tác dụng của nó chỉ là hỗ trợ làm chậm khả năng hấp thu rượu vào trong cơ thể, giúp tăng dẫn truyền thần kinh để bệnh nhân đỡ cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… Tuy nhiên phải lưu ý, những sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ với người uống ít hoặc mức độ vừa phải rượu, bia. Với người uống quá nhiều, quá nhanh thì không có bất kỳ loại thuốc hay thảo dược nào có thể ngăn ngừa hay giải quyết được hậu quả do rượu gây ra”.
Chia sẻ về các loại viên giải rượu đang được quảng cáo trên thị trường hiện nay, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Thực chất, các viên giải rượu hay giải say chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu, chứ chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn.
Tiệc rượu cuối năm cần lưu ý gì?
Các sản phẩm giải rượu được quảng cáo, rao bán trên thị trường
Theo BS. Hằng, dù uống ít hay nhiều rượu, bia thì đó đều là chất kích thích có khả năng làm suy yếu các cơ quan trong cơ thể.
Các loại viên giải rượu chỉ có một số tác dụng nhất thời, hiệu quả thấp và có thể mang đến những tác dụng phụ. Theo đó, nếu phải uống rượu thì tốt nhất nên uống với liều lượng vừa phải, uống tốc độ chậm, hạn chế hấp thụ rượu vào cơ thể nhanh. Bởi, rượu có thể hấp thu vào máu nhanh nhưng tốc độ gan chuyển hóa rượu mỗi giờ đồng hồ lại khá chậm.
BS. Hằng khuyến cáo thêm, trước khi sử dụng rượu nên ăn trước đó, giúp đầy bụng, hạn chế tốc độ sử dụng rượu. Một số người có thói quen trước khi uống rượu dùng một ít phômai, bơ hoặc uống bột sắn để tráng dạ dày… Đây là thói quen tốt, phần nào giúp rượu hấp thu vào cơ thể chậm hơn.
Sau uống rượu, tốc độ thải càng nhanh thì cơ thể càng nhanh tỉnh, do vậy nên uống nhiều nước; đồng thời cũng nên có các hoạt động như nói nhiều, đi lại nhiều giúp cho lượng rượu hấp thụ vào máu chậm hơn và thanh thải nhanh hơn. Các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như viêm loét dạ dày, viêm gan mạn… phải hạn chế tối đa uống rượu, bia.
“Có thể giải rượu bằng một số phương pháp dân gian như uống canh nóng, nước gừng, nước chanh nóng…. để giúp pha loãng lượng rượu đã uống. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng chỉ có tác dụng khi uống ở mức độ vừa phải. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh say hay ngộ độc rượu là lượng rượu, tốc độ uống và chất lượng rượu ra sao…”, BS. Đào Việt Hằng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận