Thời sự

Thực phẩm chức năng vẫn vào đơn thuốc

11/12/2014, 07:23

Quy định đã có, Bộ Y tế cũng vừa có thêm công văn nhắc nhở, nhưng thực phẩm chức năng vẫn ngang nhiên vào đơn thuốc của bệnh nhân.

Thực phẩm chức năng trong một đơn thuốc
Thực phẩm chức năng trong một đơn thuốc

Chả tin bác sỹ thì tin ai?

Sáng 10/12, tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Hùng (Thanh Trì, Hà Nội) cầm đơn thuốc bác sỹ kê đợi lấy thuốc cho cậu con trai điều trị bệnh trầm cảm. Cứ hai tháng một lần, ông đến lấy đơn thuốc của bác sỹ điều trị và mua thuốc luôn tại bệnh viện này.

Lần này, bác sỹ kê toa cho con trai ông hai loại thuốc là Nattovastin và Davi Activer 25mg, mỗi loại 60 viên. Tổng giá trị đơn thuốc hết 555.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ có Davi Activer là thuốc điều trị, còn Nattovastin là một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ tuần hoàn não có giá tới 403 nghìn đồng.   

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Quy chế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú (Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BYT ngày 1/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế) quy định người kê đơn không kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Nếu vi phạm phải được xử lý theo quy định, viên chức sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức, hành nghề tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Khi PV hỏi ông Hùng có biết thực phẩm chức năng chiếm giá trị 2/3 đơn thuốc cho con không, ông Hùng ngạc nhiên: “Tôi chả biết đâu là thuốc điều trị, đâu là thực phẩm chức năng. Cứ bác sỹ kê đơn thì tôi đi mua thuốc về uống. Là bệnh nhân, chả tin bác sỹ thì tin ai?”

Gần 12h trưa cùng ngày, anh Tú vội vàng đi vào hiệu thuốc của Bệnh viện Nhi T.Ư mua theo đơn bác sỹ vừa kê để kịp xe đưa con về tận Hưng Yên. Con anh mới 6 tháng tuổi, biểu hiện sốt phát ban nên được bác sỹ kê ba loại, gồm: Efferalgan 80mg, Aerius 0,5mg/ml và Mume kids stick 10ml. Tất cả hết 363 nghìn đồng.

Tuy nhiên, ngoài Efferalgan 80mg với chức năng hạ sốt, Aerius 0,5mg/ml chống dị ứng, thì 30 gói Mume kids stick bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất chiếm tới 2/3 giá trị hóa đơn tiền thuốc. 

“Thuốc hay thực phẩm chức năng, tôi không biết. Đắt vài trăm ngàn đồng hay cả triệu mà bác sỹ đã kê vẫn phải mua mà uống chứ?”, anh Hùng nói.

Nhập nhằng thuốc và thực phẩm chức năng

Từ năm 2008, trong quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế có quy định, không kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Đầu tháng 12/2014, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại tiếp tục có công văn yêu cầu các bệnh viện, phòng khám thực hiện nghiêm quy định này. Tuy nhiên, thực tế thực phẩm chức năng vẫn ngang nhiên “ngự” trên các đơn thuốc. Lý do bởi ngành chức năng thiếu kiểm tra, xử lý quy định này và khái niệm thực phẩm chức năng và thuốc hỗ trợ điều trị vẫn có sự nhập nhèm.

Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là một dạng giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, có tác dụng tăng cường sức khỏe, giúp phòng bệnh, hỗ trợ trong công tác điều trị. Ví như nhóm vitamin là hỗ trợ cho công tác điều trị. Nhưng vitamin khi ở dạng thực phẩm chức năng thì không phải là thuốc. Hay đối với những bệnh nhân ung thư, thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ cho quá trình điều trị, quá trình sử dụng hóa chất, quá trình tia xạ, tăng cường sức đề kháng để chống đỡ bệnh tật, chứ không phải thuốc điều trị bệnh này. 

“Với một số sản phẩm hỗ trợ cho quá trình điều trị của người bệnh hoặc sau một đợt điều trị cần phải có hướng dẫn cho đúng, gọi là kê đơn, nhưng không phải kê đơn thuốc chữa bệnh mà là kê toa thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị”, ông Trung nói. 

Còn theo dược sỹ Thu Huyền (Chủ một nhà thuốc trên phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội), quá trình bán thuốc, bản thân chị thấy rất nhiều đơn thuốc kê lẫn thực phẩm chức năng. “Thực phẩm chức năng về cơ bản là vô hại với người sử dụng, nhưng vẫn có những người bị dị ứng thực phẩm chức năng do sản phẩm không phù hợp với thể trạng. Khi kê đơn, các bác sỹ phải minh bạch trong kê đơn thuốc và thực phẩm chức năng”, chị Huyền nói.

Là một bệnh nhân, chị Mỹ Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kiến nghị, kể cả thực phẩm chức năng có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị, nhưng khi kê, bác sỹ cần phải báo trước cho bệnh nhân để họ có quyền cân nhắc nhu cầu sử dụng của mình, chứ không nên đánh đồng vào một đơn thuốc như kiểu bắt buộc bệnh nhân sử dụng.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.