Showbiz

Thực tế khắc nghiệt của showbiz Hàn

26/10/2021, 06:34

Chỉ một tin đồn, một ngôi sao có thể lao đao sự nghiệp. Một lỗi lầm trong quá khứ cũng có thể khiến nghệ sĩ từ đỉnh cao rơi xuống vực.

Đó là thực tế khắc nghiệt ở ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn.

Vì đâu nên nỗi?

Sau thành công của bộ phim “Hometown Cha Cha Cha”, Kim Seon Ho được dự đoán sẽ gia nhập hàng ngũ ngôi sao hạng A của showbiz Hàn.

Nhưng phim vừa kết thúc, anh bị đồn là nhân vật chính trong một bài tố ẩn danh trên mạng xã hội. Bài tố nói về một “diễn viên K” đã lăng mạ đồng nghiệp và từng ép bạn gái cũ phá thai.

img

Nam diễn viên Jisoo tạm dừng hoạt động vì scandal từng làm “đầu gấu học đường”

Khi tin đồn chưa được xác thực, hàng loạt nhãn hàng đã nhanh chóng ẩn, xóa hình ảnh của Kim Seon Ho trong chiến dịch PR.

Người nổi tiếng thường quảng bá hình ảnh tốt để nâng cao giá trị của mình, nên họ vấp phải sự chỉ trích lớn nếu hình ảnh đó bị coi là giả mạo. Công chúng sẽ tức giận hơn, có cảm giác bị phản bội nếu có bất cứ tin tức nào về hành vi sai trái liên quan đến họ.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik


Sau khi nam diễn viên thừa nhận mình là “diễn viên K”, scandal này khiến sự nghiệp vừa chớm nở của anh nguy cơ bị chôn vùi.

Anh bị loại khỏi chương trình “2 Days 1 Night”, bị cắt vai trong hai dự án phim “O’Clock Date” và “Dog Days”.

Trước Kim Seon Ho, Seo Ye Ji cũng từng gây tốn giấy mực báo giới với ồn ào đời tư.

Sự nghiệp của cô vừa lên tầm cao với phim “Điên thì có sao” đã bị lay chuyển vì scandal thao túng bạn trai cũ và tính cách tồi tệ.

Phía nữ diễn viên không lên tiếng trước các ồn ào nhưng hình tượng của cô sụp đổ sau 1 đêm. Seo Ye Ji phải hủy họp báo ra mắt phim mới “Recalled”, rút khỏi dự án “Island” ngay trước khi khởi quay, đồng thời bị mất hàng loạt hợp đồng quảng cáo.

Chưa hết, nhiều ngôi sao còn bị tổn hại sự nghiệp vì những lỗi lầm trong quá khứ từ khi họ còn chưa bước chân vào làng giải trí. Jisoo, Jo Byeong Gyu, Park Hye Soo... phải đối mặt với cáo buộc từng là “đầu gấu học đường” những năm còn là học sinh.

“Scandal do quá khứ” này khiến Jo Byeong Gyu phải rời khỏi chương trình “Come Back Home”. Phim truyền hình “Dear. M” có Park Hye Soo tham gia phải hoãn chiếu. Jisoo bị cắt vai nam chính trong phim “River Where the Moon Rises” khi phim đang trong quá trình quay.

Các ngôi sao trên hầu như đều tạm dừng hoạt động, sự nghiệp “đóng băng” khi bê bối nổ ra. Có thể nói, số phận của họ khi phải đối mặt vì những hành vi sai khác hẳn các minh tinh Hollywood.

Nam tài tử Joaquin Phoenix từng chửi bới quay phim trên phim trường “Joker”. Nữ diễn viên người Anh Lily James bị cáo buộc ngoại tình với một nam diễn viên đã có gia đình. Nhưng những điều đó hầu như không ảnh hưởng đến sự nghiệp đang thăng hoa của họ.

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun lý giải trên South China Morning Post, công chúng có cảm giác được minh oan bằng cách đuổi những người nổi tiếng dính bê bối ra khỏi làng giải trí.

Vậy nên, khi các chương trình truyền hình hủy show hoặc các ngôi sao rút lui sẽ mang lại cảm giác hài lòng cho công chúng. “Vì người nổi tiếng được coi trọng và được coi là có tác động xã hội lớn, cách xử lý các vụ bê bối sẽ là một tấm gương cho mọi người”, ông nói.

Trong khi đó, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nhận định, người Hàn coi trọng các chuẩn mực xã hội và đạo đức trước quyền riêng tư. Bởi vậy, khán giả có xu hướng ưu tiên tác động xã hội của một người hơn quyền riêng tư của họ.

Ngoài ra, Hàn Quốc có một cấu trúc truyền thông tập trung. Các vấn đề được đưa ra thường nhanh chóng lan truyền và có tác động rất lớn. Điều đó buộc người nổi tiếng phải tuân theo quy tắc ứng xử nghiêm ngặt.

Cùng đó, sự gia tăng các chương trình truyền hình thực tế và mạng xã hội khiến người nổi tiếng nước này bị giám sát chặt chẽ hơn.

Các chương trình thực tế về cuộc sống riêng tư của người nổi tiếng được phát sóng dưới danh nghĩa giải trí khiến người xem tò mò. Từ đó, công chúng quan tâm hơn tới cách cư xử ngoài đời của người nổi tiếng, xem họ có “diễn” trên show hay không.

Áp lực “thần tượng là phải hoàn hảo”

img

Sự nghiệp của Kim Seon Ho nguy cơ đóng băng vì scandal liên quan tới bạn gái cũ

Trên SCMP, Song Jae Ryong, Giáo sư xã hội học tại Đại học Kyung Hee cho rằng, những người nổi tiếng tại Hàn Quốc đôi khi trở thành nạn nhân của sự kỳ vọng quá cao trong xã hội.

“Những người nổi tiếng luôn nổi bật và thu hút sự chú ý của công chúng, nên mọi người có cảm giác bất lợi về cách sống khác biệt của họ. Do đó, dư luận có xu hướng ít khoan dung hơn với bất kỳ hành vi sai trái về đạo đức hoặc luân lý nào của người nổi tiếng”, Giáo sư Song nhận định.

Sự kỳ vọng này trên thực tế đến từ chính các công ty giải trí. Theo People, các công ty Hàn Quốc thường cố gắng uốn nắn các thực tập sinh trở thành người hoàn hảo từ ngoại hình tới tính cách thể hiện trước công chúng. Họ thường được dạy cách ứng xử, xử lý các tình huống trước đám đông.

Điều đó vô tình tạo ra một tiêu chuẩn cho mọi thần tượng. Ai đó không hoàn hảo sẽ bị coi là không xứng đáng trở thành thần tượng.

Tư duy này của các công ty ảnh hưởng đến công chúng, hun đúc tâm lý mong đợi sự hoàn hảo của thần tượng. Dư luận sẽ “hạ gục” bất kỳ ai kém hơn.

Kết quả, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các ngôi sao cũng phải luôn xuất hiện với nụ cười rạng rỡ và tràn đầy sức sống.

Họ phải cứng rắn trước các sự việc, nhưng không được gây hấn với bất cứ ai. Cuộc sống làm thần tượng áp lực, sự đòi hỏi luôn phải hoàn hảo khiến nhiều ngôi sao bị trầm cảm, thậm chí tự sát như: Sulli, Goo Hara, Jonghyun…

Từ năm 2019, Hiệp hội Ca sĩ Hàn Quốc đã kêu gọi các trang thông tin đóng các phần bình luận trên các bài báo giải trí. Ngoài ra, họ cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội soạn thảo một dự luật khuyến khích các bài báo thực tế, xử phạt những người viết các bài báo khuyến khích bình luận ác ý.

Hiệp hội cũng kêu gọi các công ty giải trí thực hiện những biện pháp bảo vệ nghệ sĩ một cách hợp lý, thay vì để nghệ sĩ tự đối mặt, còn công ty thì chấm dứt hợp đồng để không phải đối phó với scandal.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.