Cục Thuế Hà Nội đề nghị taxi do cá nhân tự quản lý coi như hộ kinh doanh và phải nộp thuế theo quy định (Trong ảnh: Taxi đón khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ) - Ảnh: Tạ Tôn |
Doanh nghiệp đầu tiên bị đề nghị xử lý hình sự
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hầu hết doanh nghiệp taxi có số thuế phải nộp rất thấp và theo hình thức tự kê khai, tự nộp. Có hãng taxi mỗi năm chỉ nộp vài triệu đồng tiền thuế môn bài, vài triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT). Thậm chí, nhiều doanh nghiệp taxi nâng giá đầu vào, khai báo lỗ, không phải nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Đơn cử, tại Bắc Ninh, Công ty TNHH Vận tải Tấn Kiên (do bà Trần Thị Phương Thúy làm giám đốc, Chi cục Thuế huyện Yên Phong quản lý thuế). Công ty nộp thuế theo hai phương thức: Năm 2015 và 2016 nộp theo phương thức trực tiếp trên doanh thu, năm 2017 theo phương pháp khấu trừ. Trong đó, kê khai phát sinh thuế giá trị gia tăng (VAT) hơn 9,2 triệu đồng; năm 2016 là 311,6 triệu đồng. Kê khai là thế nhưng đến ngày 7/8/2017, công ty này vẫn chưa nộp vào ngân sách.
Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh sau đó đã thanh tra doanh nghiệp Tấn Kiên, phát hiện hàng loạt sai phạm: Không mở sổ sách kế toán, không lưu giữ chứng từ kế toán, không xuất hoá đơn bán hàng (nên không phản ánh doanh thu phát sinh), không hạch toán thu - chi và báo cáo tài chính, không hạch toán thu - chi để tính doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp… Cục Thuế Bắc Ninh đã quyết định truy thu số tiền thuế trốn lậu của Công ty TNHH Vận tải Tấn Kiên là 1,94 tỷ đồng; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ trốn thuế của công ty này sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị xử lý hình sự. Đây được coi là “phát súng” đầu tiên đối với việc chấn chỉnh công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi trên cả nước.
Vụ việc diễn ra đến thời điểm này đã tròn một năm. Trao đổi với PV Báo Giao thông cuối tuần qua, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh Nguyễn Văn Hải cho biết, do gặp khó khăn nên Cục Thuế vẫn đang phối hợp thực hiện các thủ tục để khởi tố doanh nghiệp này. Tuy nhiên, 2 chi nhánh và 1 văn phòng đại diện của Tấn Kiên tại hai địa điểm là Thanh Trì (Hà Nội) và Yên Phong (Bắc Ninh) đến nay đã giải thể.
Thu được thuế nhưng... bị tuýt còi
Ngoài Bắc Ninh, có hai địa phương khác tích cực trong việc quản lý thuế đối với kinh doanh vận tải là Lâm Đồng và Đắk Lắk. Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 240 đơn vị kinh doanh vận tải nhưng cơ quan thuế mới chỉ quản lý thuế được 53% tổng số đầu xe. Tổng số thuế, phí thu được từ kinh doanh vận tải (cả hành khách và hàng hoá) chưa tới 1% tổng số thuế phí thu được.
Thông tin với Báo Giao thông, Cục Thuế Hà Nội cho biết đã báo cáo đề xuất Tổng cục Thuế: Đối với các doanh nghiệp taxi hoạt động theo mô hình hợp tác kinh doanh hoặc mô hình hỗn hợp thì kê khai hạch toán chỉ phần doanh nghiệp thực thu như tiền đàm, phí quản lý… và phần doanh thu cước xe là các tài sản cố định của doanh nghiệp. Đối với các xe do cá nhân tự quản lý coi như một hộ kinh doanh và nộp thuế như hộ kinh doanh theo quy định. Với doanh nghiệp triển khai ứng dụng khoa học công nghệ tham gia thí điểm hoạt động tương tự xe taxi như Grab, Uber… áp dụng các điều kiện tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải. |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành một đề án để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Đáng chú ý, trong đề án quy định cơ quan đăng kiểm tỉnh này sẽ không đăng kiểm cho những xe taxi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế. Đồng thời, với những đơn vị không kê khai doanh thu để nộp thuế hoặc không kê khai đủ theo quy định sẽ bị ấn định thuế (giống như hộ kinh doanh).
Tuy nhiên, sau khi thực hiện, cơ quan đăng kiểm lo ngại vì đã có các xe taxi chạy sang tỉnh khác để đăng kiểm rồi quay lại hoạt động. Còn cơ quan kiểm toán đã tuýt còi vì cho rằng, ấn định thuế với doanh nghiệp là sai luật bởi đã là doanh nghiệp thì phải nộp theo phương pháp kê khai, kê khai bao nhiêu thu bấy nhiêu. Nhưng điều này không khác gì “thả gà ra đuổi” bởi lái xe taxi trước nay không phát hành hoá đơn cho khách, không kê khai doanh thu, doanh nghiệp nâng giá đầu vào… nên cơ quan thuế không thể kiểm soát được. Bản thân Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk Bùi Văn Chuẩn còn bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm vì tham mưu chính sách cho tỉnh chưa đúng.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Chuẩn cho biết, khi áp dụng đề án (đến nay tròn 1 năm) đã thu cho ngân sách tỉnh vài tỷ đồng để bổ sung cho các huyện, các xã vùng sâu lo cho con em đi học. “Cái gì có lợi cho dân thì làm”, ông Chuẩn nói và cho rằng, trong Thông tư 92/2015/TT-BTC cũng quy định nếu đơn vị kinh doanh không kê khai hay kê khai không đủ vẫn có quyền ấn định thuế. “Quan điểm của tôi vẫn là tập trung biện pháp quản lý chứ không thể thả được. Bà con buôn thúng bán mẹt, đủ doanh thu đến mức nộp thuế thì vẫn phải nộp, cha mẹ mình ở quê vẫn phải nộp thuế đất phi nông nghiệp. Đây là doanh nghiệp kinh doanh vận tải có doanh thu mà bảo tự giác thì khó”, ông Chuẩn nói và khẳng định vẫn thực hiện, vừa làm vừa sửa.
Địa phương chờ Tổng cục Thuế
Trong buổi sơ kết 6 tháng ngành Thuế, việc quản lý thuế đối với kinh doanh taxi cũng được một số địa phương nêu. Trả lời Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Theo quy định, doanh nghiệp khi xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì áp dụng theo phương pháp kê khai. Phương pháp ấn định thuế chỉ áp dụng khi doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm. Tổng cục Thuế không đề cập tới trường hợp hợp tác xã dịch vụ. Hiện, các địa phương vẫn đang đề nghị và chờ Tổng cục Thuế chốt phương án để hợp tác xã dịch vụ kê khai toàn bộ doanh thu hay để lái xe kê khai. Nếu để hợp tác xã kê khai thì xử lý vướng mắc quy định như thế nào, có quản lý được hay không? Và quan trọng nhất là có truy thu được số thuế thất thoát trong mấy năm qua hay không?
“Để có cơ sở xác định chính xác doanh thu của hoạt động kinh doanh vận tải taxi, cần thiết phải có dữ liệu từ thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, thiết bị giám sát hành trình của xe taxi”, Tổng cục Thuế thông tin và cho rằng, nội dung này đã được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Nghị định về hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, dịch vụ. Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm nội dung cung cấp thông tin từ thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, thiết bị giám sát hành trình của xe taxi cho cơ quan thuế vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, khi chưa làm được phương án trên, một số địa phương đề nghị trước mắt có thể cho phép nhân rộng mô hình của Đắk Lắk và Lâm Đồng là ấn định nhưng theo hướng Hà Nội và TP HCM chịu một mức, các địa phương khác (chia theo vùng) chịu một mức. Nếu triển khai đồng bộ được tại tất cả các địa phương sẽ không còn tình trạng địa phương này siết, taxi chạy sang địa phương khác. Như vậy, không phải thu được toàn bộ số thuế nhưng cũng không còn tình trạng “bỏ trống trận địa” như hiện nay. Cục Thuế Bắc Ninh cũng đề nghị rút giấy phép đơn vị nào không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách. Hiện các địa phương đang đợi trả lời của Tổng cục Thuế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận