Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là cần sửa làm sao để tạo được sự công bằng và việc nộp thuế không trở thành gánh nặng đối với người làm công ăn lương.
Quy định về thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời khiến người nộp thuế chịu thiệt
Nâng mức giảm trừ gia cảnh, chưa đủ
Chị Lương Thu Hương, nhân viên hành chính một đơn vị sự nghiệp có thu ở Hà Nội mới nhận được thông báo của cơ quan về việc nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2021 và thông báo uỷ quyền nộp thuế.
Chị Hương cho biết, tổng thu nhập của chị năm 2021 là 224,6 triệu đồng, sau khi được giảm trừ 184,8 triệu đồng, chị phải nộp thuế 6,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong năm chị Hương có một số khoản thu nhập bất thường và bộ phận kế toán đã tạm thu 10% là 2,4 triệu đồng. Sau khi quyết toán, chị Hương còn phải nộp 4,3 triệu đồng Thuế TNCN.
Thêm thu nhập của chồng 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Hương năm vừa qua là 332,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, vợ chồng chị hiện còn phải “gánh” một khoản nợ mua nhà trả góp trong 10 năm tương ứng 168 triệu đồng/năm (14 triệu đồng/tháng), chiếm 50% tổng thu nhập của hai vợ chồng.
“Chưa kể còn tiền ăn, tiền điện nước, tiền học cho hai con, tiền ốm đau bệnh tật… nên hai vợ chồng phải dè xẻn từng đồng”, chị Hương nói.
Trên thực tế, mức thuế chị Hương phải nộp đã giảm đi đáng kể khi năm 2020, cơ quan quản lý thuế nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/người/tháng và nâng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho người lao động như trường hợp của chị Hương có đời sống khá hơn, lúc đó nhiều ý kiến đã kiến nghị, chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh chưa đủ mà cần phải sửa bậc thuế, thuế suất…
Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần (thuế suất 5-35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần.
Nếu so sánh mức thuế của cá nhân kinh doanh (7%) với mức thuế bậc cao nhất của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (35%) nhiều ý kiến cho là không phù hợp.
Sửa thế nào?
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết: “Nên nới mức không phải đóng thuế cao hơn hiện nay vì đời sống người dân cao hơn thì phải đảm bảo cho họ đủ chi tiêu. Mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15 - 20 triệu đồng”.
Liên quan đến biểu thuế lũy tiến từng phần, nhiều ý kiến cho rằng, quy định 7 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, gần gấp đôi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khiến người làm công ăn lương “còng lưng’ chịu thuế.
Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị giảm còn 3-5 bậc thuế, hạ thuế suất của các bậc nhằm giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Trả lời phóng viên, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết đã nhận được nhiều các kiến nghị như báo trao đổi.
Tuy nhiên, để sửa được thì phải sửa luật và việc này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi các luật thuế bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay.
“Các nội dung như bậc thuế, thuế suất, giãn thuế… sẽ được nghiên cứu để sửa thời gian tới”, bà Lan nói.
Trong nội dung gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi Luật Thuế TNCN, liên quan biểu thuế, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến phản ánh biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp; Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ... Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận