Xã hội

Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời, sửa thế nào?

14/02/2025, 08:57

16 bộ, ngành và địa phương vừa đề xuất nâng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lên gấp rưỡi so với hiện nay, với lý do mức hiện tại không còn phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính cũng đã có tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời, sửa thế nào?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Được.

Nhiều quy định đã lạc hậu

Những bất cập lớn nhất trong chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay là gì, thưa ông?

Theo tôi, có 5 nhóm vấn đề chính đã bộc lộ những bất cập và được đưa ra mổ xẻ nhiều năm gần đây.

Vấn đề đầu tiên là, mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu. Từ khi Luật Thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực đến nay đã điều chỉnh 3 lần. 

Năm 2020 là lần điều chỉnh gần nhất, nhưng mức giảm trừ gia cảnh hiện tại (11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc) không theo kịp sự gia tăng của mức sống và lạm phát.

Đặc biệt, cách xây dựng điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cơ học lấy mức giảm trừ gia cảnh chưa điều chỉnh nhân với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm cho luật luôn bị lỗi thời so với thực tiễn.

Vấn đề thứ hai là cấu trúc biểu thuế lũy tiến chưa hợp lý khi còn nhiều bậc. Hệ thống thuế thuế thu nhập cá nhân có 7 bậc thuế, với khoảng cách giữa các bậc chưa thực sự hợp lý. 

Điều này có thể dẫn đến tình trạng người lao động chịu mức thuế cao khi thu nhập tăng nhẹ, chưa động viên được nguồn thu thuế từ người có thu nhập cao.

Ngoài ra, luật chưa bao quát đầy đủ các nguồn thu nhập mới, chưa điều chỉnh đúng bản chất của giao dịch và thu nhập. 

Các nguồn thu từ tài sản số, đầu tư tài chính và các mô hình kinh doanh mới chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong quản lý thuế cũng như bất cập trong việc xác định nghĩa vụ thuế công bằng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định điều chỉnh thuế dựa trên CPI là quá cứng nhắc, quan điểm của ông thế nào?

Đúng thế. Bởi lẽ, chỉ điều chỉnh khi CPI tăng trên 20% có thể khiến chính sách không phản ứng kịp với thực tế.

Không những thế, chính sách thuế cũng chưa đảm bảo công bằng giữa các nhóm thu nhập, do phương pháp tính thuế có sự bất cập đối với một số nguồn thu nhập từ đầu tư tài chính hoặc bất động sản chịu mức thuế thấp hơn so với thu nhập từ tiền lương.

Mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là phù hợp?

Bộ Tài chính đã có tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động. Theo ông việc này có hợp lý?

Tôi nhất trí cao với đề xuất này. Về mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh kịp thời theo lạm phát và thu nhập bình quân. 

Do đó, mức giảm trừ gia cảnh vẫn nên tính toán dựa trên CPI là chính, cộng thêm một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội vĩ mô khác, mấu chốt là phản ánh đúng bản chất đời sống cũng như thu nhập của người nộp thuế.

Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời, sửa thế nào?- Ảnh 2.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không theo kịp sự gia tăng của mức sống và lạm phát (ảnh minh họa).

Tức là, điều chỉnh phương pháp và cơ sở xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp theo hướng tiếp cận với mức sống ở đô thị, tạo sự hưởng lợi cho miền núi, nông thôn theo kịp thành phố.

Đặc biệt, sửa quy định CPI, chỉ cần thay đổi từ 5% đến 10% thì Chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, thay 20%. Quy định này sẽ làm cho độ nhạy của chính sách nhanh hơn, phù hợp với thực tiễn hơn.

Ngoài ra, cần tính thêm các khoản chi phí cần thiết mà người nộp thuế phải chi cho giáo dục, y tế… tương tự các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo đang được trừ.

Tôi cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh phù hợp có thể là khoảng 15 - 18 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị.

Vậy còn biểu thuế lũy tiến, sẽ cần thay đổi ra sao, thưa ông?

Thực tế, so với nhiều nước trong khu vực, 7 bậc thuế được đánh giá là quá phức tạp, làm tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn trong tính toán.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc thuế chưa phản ánh đúng mức thu nhập thực tế của người lao động. 

Hơn nữa, những người có thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng phải chịu mức thuế 20 - 25%, trong khi đây vẫn là nhóm thu nhập trung bình khá, chưa hẳn là giàu.

Đặc biệt, các bậc thuế chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng người nộp thuế dễ rơi vào bậc thuế cao hơn chỉ vì lương tăng do lạm phát, dù mức sống không khá hơn.

Do đó, cần sửa theo hướng giảm bớt các bậc thuế từ 7 bậc xuống 5 bậc cho thuận tiện tính toán. 

Đồng thời, điều chỉnh độ nhảy bậc ở các bậc thuế thấp chậm hơn và ở các bậc thuế cao nhanh hơn để giảm áp lực thuế cho đối tượng có thu nhập thấp và thu nhập trung bình mà vẫn đảm bảo thu ngân sách do thu thêm từ người có thu nhập cao.

Không nên chần chừ thêm

Theo ông, đâu là điểm cần cân nhắc kỹ để đảm bảo tính công bằng khi sửa luật?

Luật cần điều chỉnh các phương pháp tính thuế phù hợp với bản chất của thu nhập, có thu nhập thì mới phải nộp thuế, thu nhập càng cao thì nộp thuế càng lớn.

Vì vậy, cần quay lại phương pháp tính thuế theo kê khai đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ chứng khoán và thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú, thu nhập từ kinh doanh… để đảm bảo không ảnh hưởng gây tác động méo mó đến thị trường từ chính sách thuế.

Bên cạnh đó, cần gia tăng các công cụ để kiểm soát đúng, đầy đủ thu nhập của người nộp thuế trên tất cả các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công đến thu nhập từ kinh doanh và các khoản thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, chuyển nhượng vốn…

Điểm quan trọng khác là cần xây dựng chính sách và quản lý thuế thu nhập cá nhân hiện đại trên cơ sở áp dụng khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, tăng tính tự giác tuân thủ pháp luật.

Tức là, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các phần mềm hỗ trợ, các quy định, chính sách nhất quán, khoa học và phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan.

Bất cập lộ diện đã lâu, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10/2025, nếu thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026 thì năm 2027 mới có thể áp dụng. Nên chăng cần thiết có một giải pháp để sớm điều chỉnh hay không, thưa ông?

Rất cần thiết và cấp bách. Để thực hiện nhanh, Chính phủ có thể trình Quốc hội điều chỉnh một số quy định quan trọng như mức giảm trừ gia cảnh ngay trong kỳ họp gần nhất bằng một nghị quyết riêng, thay vì chờ thông qua toàn bộ luật.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra lý lẽ chưa điều chỉnh là đúng pháp luật, bởi CPI từ năm 2020 đến nay chưa vượt ngưỡng 20%. 

Hơn nữa, hiện, mức giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người (4,96 triệu đồng/tháng), trong khi ở nhiều quốc gia, tỷ lệ này thường dưới 1 lần. Ý kiến của ông thế nào?

Thực tế, từ năm 2020 đến hết năm 2024, CPI đã tăng gần 16%. Điều này có nghĩa, người nộp thuế đang phải chịu thiệt thòi lớn. Do đó, việc đợi thông qua toàn bộ luật vào năm 2027 là khá lâu, khi các bất cập nêu trên là cấp bách.

Từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá hàng hóa, chi phí y tế, giáo dục tăng cao trong khi đồng lương của người lao động teo tóp hoặc tăng theo lạm phát, cuộc sống ngày càng khó khăn nên cần sớm điều chỉnh những bất cập này, không nên để kéo dài hơn nữa.

Luật quy định CPI phải tăng vượt 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ, nhưng thực tế đã chứng minh, mức này không còn phù hợp.

Người lao động, bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt lên tiếng, Bộ Tài chính cần có phương án nhanh nhất.

Cảm ơn ông!

Đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.

Một nội dung quan trọng được Bộ Tài chính định hướng sửa đổi, bổ sung là biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương sau 15 năm áp dụng.

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính cho biết, có quan điểm cho rằng biểu thuế hiện hành chưa hợp lý, 7 bậc thuế là quá nhiều, việc giãn cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp.

Theo Bộ Tài chính, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng/tháng, với người phụ thuộc ở mức 8 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người; bổ sung các khoản giảm trừ để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.