Cây cầu do thương binh Bùi Xuân Đại bỏ tiền ra xây dựng |
Bản thân là thương binh 3/4, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng cựu chiến binh Bùi Xuân Đại (67 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã bỏ ra gần 300 triệu đồng tích góp cả đời mình để xây cầu bê tông cho thôn xóm.
Xóa thế “ốc đảo” Lai Đồng
Chỉ chưa đầy 20 hộ dân sinh sống, thôn Lai Đồng nằm nép mình bên chân núi Mụ Quán. Nơi đây, có con suối lớn chảy qua thôn, chia cắt gia đình ông Đại và gần 10 hộ dân khác. Quanh năm, cứ đến tháng 8, tháng 9 lũ lại về, nước sông Ngàn Sâu lên cao, gia đình ông Đại và gần 10 hộ dân lại bị chia cắt trong thế “ốc đảo”, mọi sinh hoạt, đi lại đều vô cùng khó khăn.
“Mặc dù bà con đã làm cầu tạm nhưng do nước dâng cao, lại chảy xiết, cây cối, đất đá từ thượng nguồn đổ về cuốn bay bất cứ thứ gì mà dòng lũ đi qua. Bởi vậy, người dân ở thôn nghèo này đã quá quen với cảnh cứ mỗi mùa mưa lại chịu cảnh cô lập, cầu tạm trôi lại bắc cầu khác”, ông Đại thông tin.
Hàng chục năm sống trong cảnh “ốc đảo”, dựng đi dựng lại cầu, người dân Lai Đồng ao ước có một cây cầu bê tông cốt thép vững chắc để giao thông thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, người dân vùng bán sơn địa này quanh năm chỉ biết ruộng nương, kinh tế khó khăn, nên họ “lực bất tòng tâm”, bao lần đưa ra ý định xây dựng cầu rồi cũng phải bỏ dở.
“Cứ nghĩ đến một cây cầu cho quê hương, bản thân tôi cũng “mất ăn mất ngủ”, bởi kinh phí từ đâu ra? Cây cầu này chỉ bắc qua con suối phục vụ cho hai chục hộ dân, chờ ngân sách của địa phương đến bao giờ? Bảo tự đóng góp thì nhà nào cũng nghèo, nuôi con ăn học còn khó, lấy đâu ra tiền để cùng đóng góp xây dựng cầu hàng trăm triệu đồng?”, ông Đại trăn trở.
Năm 2012, Đảng, Nhà nước phát động kêu gọi toàn dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Sẵn ý tưởng ấp ủ bấy lâu, ông Đại trình bày với lãnh đạo xã về việc xây dựng cầu bắc qua suối ở thôn Lai Đồng. Lãnh đạo xã rất ủng hộ chủ trương, nhưng kinh phí thì vẫn là bài toán khó giải.
“Thấy xã ủng hộ chủ trương, tôi về nhà, bàn với vợ lấy số tiền tích cóp hàng chục năm mà hai vợ chồng dự định sửa nhà để xây cầu; rồi kêu gọi ba con đã trưởng thành, đi làm cùng đóng góp. Mình là người lính, thì tiên phong vì quê hương mình”, ông Đại tâm sự.
Tấm lòng người lính và cây cầu mơ ước
Gia đình ông Đại cũng không khá giả gì, vẫn là ngôi nhà cấp 4 đơn sơ xây hàng chục năm nay nên đã xuống cấp, vẫn chưa có điều kiện sửa lại. Thoạt đầu, vợ con ông cũng không đồng ý, bởi đó là số tiền tiết kiệm cả đời của ông bà và của các con đi làm ăn xa gửi về. Nhưng ông Đại đã thuyết phục vợ con, xây cầu là để phục vụ cho lợi ích lâu dài của tất cả người dân. Có cây cầu vững chắc, bà con Lai Đồng trong đó có gia đình ông mới yên tâm sản xuất, có cơ hội phát triển.
Trước sự quyết tâm của ông Đại, vợ con ông đều đồng ý. Tất cả số tiền của cả gia đình gom lại được gần 300 triệu đồng, ông Đại còn hiến tặng 90m2 đất của gia đình để mở rộng đầu cầu; rồi kêu gọi bà con thôn xóm ủng hộ từ 50 - 100 nghìn đồng/hộ, cùng với đóng góp ngày công để xây cầu.
Với những thành tích trong công tác lãnh đạo xây dựng hội cựu chiến binh và những cống hiến cho xã hội, ông Bùi Xuân Đại đã được T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen; Huyện ủy, UBND huyện Đức Thọ và UBND xã Đức Đồng vinh danh, khen thưởng. Tổng kết 5 năm phong trào thi đua cựu chiến binh gương mẫu (2009 - 2014), ông Đại đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen và vinh dự được bầu là đại biểu dự Đại hội phong trào thi đua CCB gương mẫu của T.Ư Hội CCB tại Hà Nội. Trần Lộc |
Tháng 6/2012, công trình được khởi công. 6 tháng sau, chiếc cầu bê tông dài 11 m, rộng 3,8 m, cao 5 m với ba nhịp được hoàn thành trong sự vui mừng của bà con Lai Đồng. Cảm động trước tấm lòng của ông Đại, người dân đặt cây cầu mang tên ông. Từ đó, Lai Đồng xóa được “thế ốc đảo”, bà con không còn phải dựng đi, dựng lại những chiếc cầu tạm mất an toàn nữa.
“Nếu không có ông bỏ tiền xây cầu, chẳng biết đến bao giờ hàng chục hộ dân thôn Lai Đồng mới thoát cảnh cơ cực khi mưa lũ tới”, chị Nguyệt, người thôn Lai Đồng nói.
Chị Nguyệt chia sẻ, ông Đại đang mang trong mình trọng bệnh, nhưng gần đây, vẫn đóng góp gần 15 triệu đồng cùng sự đóng góp, góp sức của bà con để làm đường bê tông dài hơn 100m nối từ cầu Lai Đồng với đường liên xã. “Ông Đại luôn hết mình cho thôn nghèo này”, chị Nguyệt xúc động cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận