Từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu. (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, Bình Nhưỡng đã hành động vào thời điểm nhạy cảm nhằm thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, việc phóng thử tên lửa trưa nay (5/9) cũng phần nào khiến đồng minh Trung Quốc lúng túng, khi Bắc Kinh đang tập trung cho Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên tổ chức tại nước này.
Sự việc càng thêm “rối như mớ bòng bong” khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov còn đang bận thảo luận về tìm một bước đột phá ở Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có cuộc hội đàm riêng. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng hội đàm riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Thổ cũng có cuộc gặp song phương với Mỹ và nhiều nước khác.
Xem video quan chức Trung Quốc quát tháo tùy tùng của ông Obama ở G20:
Việc thử tên lửa của Triều Tiên chẳng khác nào hành động “hối thúc” các cuộc họp riêng giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hàng Châu. Hai bên nhất trí hợp tác theo dõi tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong sáng nay, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định cam kết của Bắc Kinh, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hãng Tân Hoa Xã cho hay. Về phần mình, bà Park tuyên bố vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng “đặt ra thách thức đối với sự phát triển của mối quan hệ Hàn Quốc và Trung Quốc”, theo Yonhap.
Vụ thử tên lửa hôm nay của Bình Nhưỡng khiến giới quan sát liên tưởng tới việc năm 2014, Triều Tiên cũng thử 2 tên lửa tầm trung trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ thảo luận tại Hague về phản ứng với chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Tương tự, năm 2003, Triều Tiên thử một tên lửa chống ngầm cùng thời điểm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Bangkok.
Hội nghị thượng đỉnh G20, quy tụ các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất và mới nổi trên thế giới, tập trung thảo luận việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ và loại bỏ rào cản thương mại. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, trước việc Bình Nhưỡng “cố tình” gây chú ý, nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên sẽ được cộng đồng quốc tế tiến hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận