Mỹ, một quốc gia mà thế giới đâu đâu cũng biết bởi những thành tựu khoa học, kỹ thuật kinh tế và quân sự, luôn rộng mở chào đón nhân tài khắp thế giới. Còn khách của họ sắp tới, một quốc gia được cho là bí ẩn nhất hành tinh, Bắc Triều Tiên.
Không chỉ là hai quốc gia có sự chênh lệch về kinh tế, chính trị và xã hội, cả phong cách đầy cá tính của hai nguyên thủ quốc gia cùng với đoàn bảo vệ hùng hậu của họ cũng khiến người dân bàn tán xôn xao.
Vì sao họ chọn Việt Nam?
Một Việt Nam quá khứ cũng từng bị Mỹ cấm vận, cũng từng có những bước ngoại giao tương đối dè dặt và cách thức quản trị khắt khe đã không còn như xưa nữa. Thay vào đó là một quốc gia cởi mở, chan hoà và hữu hảo. Một Việt Nam với những tư duy mới, đang vươn lên và mong muốn có được những người bạn lớn khắp nơi trên thế giới.
Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế có sự hiện diện của nguyên thủ các cường quốc trên thế giới. APEC 2017 tại Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Thêm nữa, những hiệp ước, hiệp định và công ước quốc tế, hầu hết Việt Nam đều có tham gia. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do dẫn tới sự lựa chọn của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.
Với một quốc gia có những hoàn cảnh quá khứ tương đồng với Triều Tiên nhiều mặt như: hai miền chia rẽ, cũng từng xung đột với Mỹ,... giờ đây, nhờ những cởi mở trong tư duy quản trị, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao về sự thân thiện, về hợp tác kinh tế và hội nhập, về sự kết nối internet thuận lợi với thế giới trên bước đường phát triển. Điều này, với Triều Tiên, có vẻ như ít nhiều vẫn còn hạn chế.
Với nhiều cựu cán bộ Việt Nam, đất nước Triều Tiên còn có những mối ân tình. Họ đã từng du học, làm việc ở Bình Nhưỡng trong những năm tháng đất nước vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Triều Tiên đã giúp đỡ Việt Nam có thêm những kỹ sư, cán bộ giỏi về mặt chuyên môn, tận tuỵ trong lao động và hết mình cống hiến cho nước nhà. Cũng có thể vì điều ấy mà ông Kim chọn Việt Nam, một quốc gia đầy thân thiện.
Về phía Tổng thống Trump, Việt Nam trong mắt ông dường như có những mối quan tâm đặc biệt.
Không chỉ là những kỷ niệm trong quá khứ mà người Mỹ đã hiện diện tại đây. Về lâu về dài, ông Trump muốn người Mỹ có một người bạn thực thụ ở Đông Nam Á. Mối thâm tình ấy là sự hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia ở hai phía bán cầu,... Niềm mong ước ấy đã được thể hiện rõ ràng bởi những thuỷ thủ trên tàu sân bay USS CALVINSON khi họ ghé thăm Đà Nẵng và hát vang bài hát “Nối vòng tay lớn”,... bằng tiếng Việt.
Cách bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Hà Nội của ông Trump cách đây 2 năm cũng có phần nào thể hiện sự hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Đại sứ Kritenbrink là một cố vấn cao cấp cho nhà trắng về Triều Tiên. Ông luôn có quan điểm sẵn sàng đứng ra làm nhịp cầu nối cho những thoả thuận mang tính chiến lược.
Chọn Việt Nam là một nơi hoà bình và hữu nghị. Trong ấy, có cả ký ức, tình cảm, và sự hữu hảo của cả 3 quốc gia trên bước phát triển chung cả quá khứ lẫn tương lai. Có lẽ cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng kỳ vọng tại mảnh đất chữ S xinh đẹp và đầy thân thiện này, họ sẽ có một phiên làm việc hiệu quả, đạt những thoải thuận ngoài sự mong đợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận