Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh |
Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho PV Báo Giao thông biết như vậy khi trao đổi xung quanh câu chuyện xuất - nhập khẩu (XNK) giữa hai nước.
Đỉa khô, cau non: Họ không nhập về Trung Quốc?
Thưa ông, Trung Quốc lâu nay vẫn được coi là thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, năm nào cũng xảy ra tình trạng hàng Việt bị ép giá, ùn tắc tại cửa khẩu. Vậy, có hay không chuyện gây khó, bắt chẹt từ phía Trung Quốc?
Nhìn chung, mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn đang rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tôi cũng khẳng định, về cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta xuất sang Trung Quốc tương đối thuận lợi. Bằng chứng, năm 2015 hàng nông sản Việt xuất sang Trung Quốc trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2014. Nếu có sự gây khó khăn từ phía chính quyền thì chắc chắn mức độ tăng trưởng không thể đạt cao như vậy. Tuy nhiên, ở góc độ này, góc độ kia, câu chuyện bắt chẹt, làm khó cũng có thể xảy ra, khó có thể tránh khỏi.
Thực tế, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn gạo của Việt Nam, song không thể tìm thấy sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt trên thị trường này. Ông nhận định như thế nào về thực trạng trên?
Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng thương lái Trung Quốc liên tục thực hiện những phi vụ thu mua nông sản “lạ đời” như: Cau non, cam non, nụ thanh long, lá điều, lá mãng cầu, đỉa khô, ốc bươu vàng... Bị thương lái Trung Quốc “bỏ bom”, nhiều hộ nông dân, tiểu thương Việt Nam vay mượn tiền ngân hàng, người thân thu gom nông, thủy, hải sản với số lượng lớn không biết bán cho ai, lâm vào cảnh nợ nần khốn khó, thiệt hại nặng về kinh tế. |
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 3,350 triệu tấn gạo sang Trung Quốc (chưa tính xuất khẩu biên mậu), chiếm 54% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc. Thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, với xu hướng nước này sử dụng chính sách tạm trữ với giá sàn thì chênh lệch giữa giá gạo nội địa và nhập khẩu vẫn giữ mức cao.
Việc không tìm thấy gạo xuất xứ Việt Nam tại thị trường Trung Quốc xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, Trung Quốc nhập khẩu gạo Việt Nam phần lớn với giá thấp, chất lượng không cao dùng để chế biến thành các sản phẩm làm từ gạo như: Mì và các loại bánh... Thứ hai, thực tế chưa có hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, khiến sản phẩm muốn bán được đều phải chấp nhận dưới mác thương hiệu khác. Chính vì thế, các DN cần nhanh chóng xây dựng hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại Trung Quốc. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ bị các đối thủ như: Campuchia, Thái Lan vượt mặt trong thời gian tới.
Thời gian vừa qua, cũng rộ lên những đợt thu mua nông sản lạ như: Cau non, đỉa khô, lá điều... cho Trung Quốc. Vậy theo ông, mục đích của những chuyến thu mua nông sản này là gì?
Ngay khi nghe báo chí trong nước phản ánh, chúng tôi lập tức tìm hiểu và biết rằng, những hàng hóa này không hề được nhập về Trung Quốc. Đây là những trường hợp thu mua cá biệt, nhỏ lẻ của thương nhân với mục đích không tốt.
Có tin đồn người Trung Quốc thu mua nông sản về làm thuốc, thực hư ra sao thưa ông?
Họ chẳng để làm gì, tất cả chỉ là tin đồn. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần sát sao hơn nữa để xác minh thương nhân nước ngoài vào Việt Nam với mục đích gì, tung thông tin thất thiệt ra sao với người dân? Nếu thấy bất ổn nên tìm cách ngăn chặn đúng lúc, tránh để xảy ra tình trạng người dân thua thiệt vì nhẹ dạ, cả tin.
Đỉa khô được một số thương lái Trung Quốc mua với giá cao trong thời gian qua |
Nhiều ngành hàng Trung Quốc không còn sức cạnh tranh, giá thành cao
Quay trở lại cán cân thương mại hai nước, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị lên hơn 32 tỷ USD trong năm 2015. Ông nhận định như thế nào về kết quả xúc tiến thương mại của chúng ta trên thị trường Trung Quốc?
Trung Quốc là thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú với giá cả cạnh tranh, trong khi nhu cầu sản xuất của Việt Nam lại rất lớn. Bởi vậy, vấn đề chúng ta phải làm thế nào để nâng cao giá trị thành phẩm. Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch tái cơ cấu nền kinh tế, chính vì thế, nhiều ngành hàng của họ đến nay không còn sức cạnh tranh, giá thành cao. Tận dụng ưu thế này, thời gian qua, Việt Nam đã tranh thủ các nguồn đầu tư, liên kết phát triển công nghệ sản xuất ra nhiều mặt hàng chất lượng cao xuất khẩu ngược lại thị trường Trung Quốc.
Chúng ta không chỉ tổ chức hội thảo giao thương, gặp gỡ đối tác đơn thuần mà còn phát triển thêm các kênh xúc tiến thương mại khác nhằm quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu quốc gia trên từng sản phẩm...
Về phía DN Việt Nam, theo ông cần chú ý những gì khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc?
Trước hết, DN cần nhận thức lại thị trường Trung Quốc hiện nay đang ở trình độ phát triển cao với những nhu cầu nhập sản phẩm chất lượng tốt. Nếu không thay đổi tư duy chiến lược, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tự chúng ta sẽ mất thị trường. DN cũng cần phối hợp với cơ quan quản lý, chủ động tìm hiểu thông tin tập quán, thói quen của người tiêu dùng Trung Quốc, qua đó cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, Trung Quốc hiện nay nổi lên là một quốc gia mạnh về thương mại điện tử. Chính vì thế, chúng ta cần tận dụng kênh quảng bá thương mại điện tử để có thể thâm nhập sâu nhất hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng và DN tại Trung Quốc.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận