Ảnh minh họa (Internet)
Trong những năm gần đây công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, từ đó có sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị.
Chính vì vậy, cuộc chiến chống tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc được thanh tra, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử.
Thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm qua cho thấy không ít các vụ việc tham nhũng, hành vi tham nhũng được phát hiện, phanh phui từ những đơn thư phản ánh, tố cáo, tố giác của nhân dân, những nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông đại chúng và mạng xã hội.
Điều này cho thấy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất lớn, bên cạnh việc đấu tranh và phát hiện của các cơ quan chức năng.
Thu hồi tài sản tham nhũng là một công đoạn trong xử lý vi phạm liên quan đến tham nhũng. Vì thế, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư yêu cầu có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng là hoàn toàn chính xác, phù hợp với tình hình hiện nay.
Để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng thì chúng ta cần có những cơ chế cụ thể bảo vệ người tố cáo. Nội dung này đã được quy định rõ tại Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Tố cáo, tuy nhiên trên thực tế người tố cáo vẫn chưa hoặc không được bảo vệ đúng mức.
Nội dung tố cáo tham nhũng do người tố cáo gửi đến các cơ quan Nhà nước vẫn bị lộ lọt, thậm chí thông tin về người tố cáo cũng bị tiết lộ, để đối tượng bị tố cáo biết được danh tính người tố cáo, nội dung tố cáo mình. Từ đó, đối tượng đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau như mua chuộc người tố cáo, trù dập, trả thù, thuê xã hội đen xử lý...
Chính vì thế, với Chỉ thị lần này của Ban Bí thư, dư luận rất kỳ vọng vào những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ đề cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời, có những biện pháp thiết thực bảo vệ người tố cáo, tố giác tham nhũng, nhất là những tố cáo về tài sản bất minh.
Bên cạnh đó, cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho những người có công trong tố cáo tham nhũng.
Hiện nay, việc khen thưởng người có thành tích trong tố cáo phát hiện tham nhũng chủ yếu về mặt tinh thần, về vật chất không đáng kể. Có thể nâng số tiền thưởng lên mức thật cao, đặc biệt là đối với những người tố giác để Nhà nước thu hồi được tài sản tham nhũng.
Bùi Văn Xuyền (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận