Thị trường

Thương nhân phân phối xăng dầu bức xúc vì bị "đối xử" bất bình đẳng

23/05/2022, 18:58

Các thương nhân phân phối xăng dầu phản ứng gay gắt vì cho rằng bị đối xử bất bình đẳng với các thương nhân đầu mối trong kinh doanh xăng dầu...

Chỉ thương nhân đầu mối được bán giá vùng 2

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa ký văn bản số 2660/BCT/TTTN về việc thực hiện nghiêm quy định về giá bán xăng dầu.

Theo đó, công văn nói rõ, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (TNĐM) và thương nhân phân phối (TNPP) xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.

Ngoài ra, các thương nhân này cũng được quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

img

Từ chiều 23/5, giá xăng lập kỷ lục mới, RON 95 lên 30.650 đồng/lít. Giá vùng 2 sẽ cao hơn tối đa 2% so với giá công bố của liên Bộ Công thương - Tài chính

Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu (Vùng 2 - PV), nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao, dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thì chỉ TNĐM kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công thương) để bù đắp chi phí phát sinh, nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.

Còn TNPP xăng dầu được yêu cầu lựa chọn nguồn hàng giá tốt để cung ứng cho hệ thống phân phối của mình, đảm bảo giá bán lẻ không cao hơn giá công bố.

Có bất bình đẳng trong cạnh tranh?

Công văn này ngay lập tức nhận được phản ứng gay gắt từ phía các TNPP, bởi họ cho rằng, hệ thống vận hành của họ và TNĐM đều giống nhau. Cùng có chuỗi các của hàng và đại lý trực thuộc và họ đều có những địa bàn thuộc vùng 2 theo quy định, nhưng “bên được hưởng, bên không”.

Chia sẻ với Báo Giao thông, một chuyên gia xăng dầu cho biết, theo quy định tại Nghị định 83 và các Thông tư liên tịch 39/2014, Thông tư liên tịch 90/2016 của Liên Bộ Công thương - Tài chính hướng dẫn chi tiết một số nội dung về điều hành giá xăng dầu nêu rõ: TNĐM kinh doanh xăng dầu và TNPP xăng dầu được phép quy định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình tại vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá do Liên Bộ Công thương - Tài chính công bố.

Vị này nhấn mạnh, về bản chất, quy định này nhằm bảo đảm cho TNĐM kinh doanh xăng dầu, TNPP xăng dầu bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh tăng thêm so với chi phí định mức (do nhà nước quy định) khi đưa xăng dầu đến các điểm vùng 2.

Qua đó, cũng khuyến khích các thương nhân này phát triển hệ thống phân phối và đưa xăng dầu phục vụ đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ của người dân, doanh nghiệp ở vùng 2, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đi lại khó khăn.

Tuy nhiên, ở Nghị định 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, lại quy định “chỉ có TNĐM kinh doanh xăng dầu được phép quy định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình tại vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá công bố”.

“Rõ ràng, Nghị định 95 đã “bỏ quên” đối tượng TNPP như đã quy định trước đây”, vị này nói và cho rằng, điều này gây ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh về giá bán giữa TNPPP và TNĐM kinh doanh xăng dầu; Bất bình đẳng trong cạnh tranh về chiết khấu bán xăng dầu giữa thương nhân này giành cho đại lý bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của mình.

Ngoài ra, quy định này còn khiến cho TNPP xăng dầu không mặn mà trong việc phát triển hệ thống phân phối đến vùng 2 để phục vụ nhu cầu xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp tại địa bàn này.

Vì thế, để tránh cho thị trường xăng dầu gặp phải những xáo trộn không đáng có, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường xăng dầu, vị chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có những sửa đổi kịp thời những quy định về kinh doanh xăng dầu hiện nay, bảo đảm tính thực tế của chính sách khi được ban hành...

Thực tế, Nghị định 95 (có hiệu lực từ 2/1/2022) đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu sửa đổi chỉ sau 2 tháng có hiệu lực.

Bộ trưởng Công thương cho biết mục tiêu là “để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời giải quyết một số bất cập xảy ra trong thời gian vừa qua”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.