Chuyện dọc đường

Thưởng Tết năm nay bao nhiêu?

20/12/2024, 06:30

Càng cận Tết, các thông tin về thưởng Tết càng dồn dập. Cũng như mọi năm, mức thưởng thấp, cao luôn trở thành câu chuyện được bàn luận sôi nổi. "Thưởng Tết năm nay bao nhiêu?", đó là câu hỏi mà nhiều người thường hỏi nhau dịp này.

Hiện, mức thưởng cao nhất dịp tết Ất Tỵ 700 triệu đồng thuộc về lao động doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng, tiếp đến là Long An với mức 519 triệu đồng. Năm ngoái, Long An dẫn đầu cả nước về tiền thưởng Tết 5,68 tỷ đồng cho quản lý cấp cao thuộc một doanh nghiệp FDI Nhật Bản.

Thưởng Tết năm nay bao nhiêu?- Ảnh 1.

Thống kê cho thấy, mức thưởng bình quân tết Âm lịch năm nay cao hơn năm ngoái 5-7% do đơn hàng phục hồi (ảnh minh họa).

Tính đến thời điểm này, còn khoảng 2/3 số tỉnh, thành chưa công bố lương, thưởng Tết. Tuy nhiên, thống kê cho thấy mức thưởng bình quân tết Âm lịch năm nay cao hơn năm ngoái 5-7% do đơn hàng phục hồi, nhất là một số nhóm doanh nghiệp như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics; nhiều địa phương thu hút FDI mở rộng sản xuất như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng…

Năm nay, mức thưởng cao nhất 500-700 triệu đồng dành cho cá nhân ưu tú, giữ vị trí lãnh đạo, quản lý song không phổ biến. Còn mức bình quân ở 18 tỉnh, thành đã công bố thì cũng không cao lắm, dao động từ 3-8 triệu đồng.

Theo quy định, thưởng là số tiền, tài sản hoặc các hình thức khác mà chủ sử dụng thưởng cho lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc. Quy chế thưởng do chủ doanh nghiệp quyết định, công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện lao động tại cơ sở.

Điều đó có nghĩa, việc doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 hoặc trả nhiều hơn là thỏa thuận riêng, không có quy định bắt buộc.

Năm ngoái, có nơi thưởng tết Giáp Thìn 2024 cả trăm triệu đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp chọn mức thưởng chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí không cân đối được tiền thưởng. Như nhiều doanh nghiệp bất động sản, họ còn lo cầm cự mà không dám nghĩ tới thưởng Tết.

Bởi thế, thông tin về thưởng Tết năm nay cho thấy những tín hiệu đáng mừng so với năm ngoái rất nhiều.

Có một điều đương nhiên là mức thưởng Tết cao hay thấp là tùy thuộc vào lợi nhuận đạt được từ kết quả sản xuất - kinh doanh trong cả một năm của mỗi doanh nghiệp, cũng như vị trí hay thành tích, cống hiến, đóng góp của mỗi cá nhân.

Trong cơ chế thị trường, đó là điều tất yếu. Với những doanh nghiệp làm ăn có lãi, không lý gì họ lại không thưởng Tết để giữ chân người lao động. Nhưng khi rơi vào tình thế khó khăn, câu chuyện sẽ khác.

Ở góc độ người lao động, bất kỳ ai đều muốn được thưởng cao. Thưởng Tết không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với doanh nghiệp.

Ngược lại, với người sử dụng lao động, khi thưởng Tết được coi là thương hiệu của doanh nghiệp, điều kiện để giữ chân người lao động, chắc chắn không doanh nghiệp nào lại muốn bị người lao động kêu ca, phàn nàn vào dịp cuối năm, nếu như họ có điều kiện.

Bởi thế, bên cạnh niềm vui của những người được thưởng cao, chắc chắn sẽ có sự so đo của những người nhận thưởng thấp, thậm chí không được thưởng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một sự thật là, không phải doanh nghiệp, đơn vị nào, lĩnh vực nào cũng giống nhau. Với những người nhận được mức thưởng cao, chắc chắn họ là người rất quan trọng, chịu nhiều áp lực công việc, lao tâm khổ tứ đêm ngày.

Còn với những người nhận mức thưởng thấp, có lẽ cũng không nên quá chạnh lòng, bởi mức độ đóng góp cũng như công việc và nơi mình đang làm việc là ở đâu, chúng ta hoàn toàn hiểu được.

Người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết. Việc có quyết định thưởng hay không còn phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh và chất lượng, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Xa hơn nữa, công việc của người lao động trong năm tới sẽ ra sao, có bằng hay tốt hơn năm nay hay không, đó mới là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tính toán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.