Liên quan đến vụ việc Thượng úy Nguyễn Trọng Quý, Đội CSGT, trật tự, cơ động Công an huyện An Lão, TP.Hải Phòng bị đối tượng Đỗ Văn Thắng (SN 2003, trú tại thôn Nguyệt Áng 3, xã Thái Sơn, An Lão, Hải Phòng) điều khiển xe môtô BKS 15D1-294.35 cố ý đâm xe vào người khi đang làm nhiệm vụ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đưa ra quan điểm: kể cả trong trường hợp Thượng úy CSGT không thiệt mạng thì hành vi trên của đối tượng cũng đã có dấu hiệu tội giết người.
Theo luật sư, qua hình ảnh mà đoạn clip ghi lại vụ việc cho thấy hành vi coi thường, bất chấp pháp luật của người điều khiển xe mô tô. Người này điều khiển phương tiện cơ giới với tốc độ rất cao, đường vắng, với khoảng cách đó hoàn toàn có thể quan sát được CSGT đang ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe.
Trong tình huống giao thông như vậy, người này hoàn toàn có thể dừng xe để CSGT kiểm tra hành chính hoặc có thể tránh CSGT đang làm nhiệm vụ nhưng người lái xe lại không thực hiện các thao tác để giảm tốc độ, tấp vào lề đường hoặc chuyển hướng mà lại lao thẳng vào người thực thi công vụ.
Cú tông xe trực diện khiến Thượng úy CSGT tung người lên không trung rồi rơi xuống bất tỉnh, hành vi rất đáng lên án này khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ bởi nó hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ.
Theo quy định của pháp luật thì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ này phải chịu trách nhiệm trong quá trình sử dụng phương tiện.
Hành vi sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) như một công cụ để trả thù hoặc là công cụ để gây án, gây thương tích, tấn công người khác là hành vi hết sức nguy hiểm, là tình tiết để xác định tội giết người.
Đương nhiên, kết luận cuối cùng thuộc về cơ quan điều tra. Trong trường hợp hành vi, hậu quả và các yếu tố khác đủ căn cứ xử lý về tội giết người thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Nếu bị xử lý về tội giết người (với nhiều tình tiết định khung tăng nặng hình phạt như: Có tính chất côn đồ, dùng phương tiện nguy hiểm, vì lý do công vụ của nạn nhân...) thì đối tượng phải đối diện với mức hình phạt hết sức nghiêm khắc theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
Còn trường hợp nếu đối tượng là người chưa thành niên, đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận