Brittany LeMonda, tiến sĩ, bác sĩ thần kinh cấp cao tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York, Mỹ nói với Healthline: “Chúng ta đều biết giấc ngủ liên quan trực tiếp đến khả năng miễn dịch về mặt phản ứng sinh lý trong cơ thể: Nếu không ngủ đủ giấc, chúng ta có thể bị suy giảm hệ miễn dịch, tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng sẽ tăng lên, khiến cho cơ thể dễ chịu tổn thương bởi nhiều loại virus khác nhau hay bất cứ yếu tố tiêu cực nào khác ngoài môi trường”.
Nói một cách cụ thể hơn, chất lượng giấc ngủ của bạn đóng vai trò trực tiếp trong khả năng giữ an toàn trước virus Covid-19. Vì thế hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để có một giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn, ngay cả trong giai đoạn chống dịch căng thẳng này.
1. Duy trì thói quen thường xuyên
Cuộc sống của rất nhiều người đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch lần này. Một số phải nghỉ việc, một số đang điều chỉnh làm việc tại nhà. Số khác lại phải xoay vòng vừa làm việc vừa chăm gia đình khi con trẻ phải nghỉ ở nhà.
Dù cho cuộc sống của bạn có bị ảnh hưởng như thế nào đi nữa thì điều quan trọng nhất là phải giữ thói quen thường xuyên để có được giấc ngủ ngon.
“Đây thực sự là khoảng thời gian chúng ta cần nhớ và lưu tâm về cách chúng ta sống, sinh hoạt theo một cách rất khác biệt. Vì thế cần cố gắng giữ cho cuộc sống bám gần với thói quen thường ngày nhất có thể”, Navya Singh, nhà tâm lý học và nhà khoa học nghiên cứu tại khoa tâm thần học của Đại học Columbia, chia sẻ với Healthline.
“Nếu làm việc tại nhà, hãy thức dậy như thường ngày và ăn mặc chỉnh tề như khi đi làm. Bạn có thể làm việc ở phòng ngủ hoặc sang phòng khác nhưng hãy luôn giữ cảm giác bình thường, giữ thói quen hằng ngày, điều này sẽ giúp bạn ít cảm thấy bị gián đoạn hơn”, cô nói.
2. Đừng chợp mắt ngủ ngắn quá nhiều
Hãy chắc chắn rằng bạn không chợp mắt quá nhiều lần trong ngày, vì điều này có thể khiến bạn buồn ngủ hơn vào ban ngày, có khả năng sẽ ảnh hưởng, thay đổi hoặc phá vỡ thói quen ngủ bình thường.
Có một thói quen ngủ bình thường “sẽ giúp kéo lại cả một ngày dài của bạn”, LeMonda nói. Thay vì nằm ngủ, hãy dậy sớm hơn và hoàn thành công việc còn đang dở dang.
3. Tập thể dục (nhưng không phải trước giờ đi ngủ)
Dù phòng gym đóng cửa nhưng bạn vẫn nên duy trì tập thể dục hằng ngày, bởi nó cũng rất quan trọng với giấc ngủ.
“Tập thể dục vào ban ngày rất quan trọng. Chúng ta biết rằng điều đó liên quan tới cải thiện giấc ngủ vì những lí do sinh lý bệnh học: Chúng ta sẽ cảm thấy mệt hơn nếu cố gắng tập hết sức. Ta cũng sẽ thấy trọn vẹn hơn vào cuối ngày, sẽ có cảm giác tích cực với những gì đã đạt được trước khi lên giường đi ngủ”, bác sĩ LeMonda nói.
4. Chọn lọc tin tức
Nhiều người gần như không thể thoát khỏi dòng chảy thông tin và tin tức tiêu cực xung quanh Covid-19 trong ngày. Và việc tiếp thu tin tức đại dịch 24/7 rất có khả năng gia tăng sự lo lắng trong bạn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
“Bất cứ khi nào tiếp xúc với tin tức, ta luôn luôn gặp phải những thông tin về Covid-19 và điều đó khá khó chịu. Dù phản ánh thực tế, nhưng một mặt cũng làm gia tăng sự căng thẳng, lo lắng của chúng ta. Tôi khuyên mọi người hãy lên lịch sẵn khi kiểm tra, cập nhật tin tức trong ngày”, Navya Singh nói.
Hãy giới hạn số lần kiểm tra điện thoại mỗi ngày và trong khoảng thời gian nhất định để theo dõi tin tức liên quan đến đại dịch. Singh cũng khuyên nên đọc tin tức tương tự như dùng cà phê: không dùng trước khi đi ngủ.
5. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh gần giờ đi ngủ
Internet đã được chứng minh là công cụ vô giá để liên lạc và giải trí trong thời kỳ mọi người trên thế giới đều tự cách ly ở nhà. Tuy nhiên nhìn chằm chằm vào màn hình cả ngày không hề hữu ích cho việc bạn đang cố gắng tìm đến giấc ngủ.
“Trong vòng một giờ trước khi ngủ, hãy cố gắng ngắt kết nối và không xem TV, không dùng điện thoại và chắc chắn không xem bất cứ điều gì có thể gây lo lắng”, LeMonda nói.
Thay vào đó, cô đề xuất các hoạt động giải trí khác tích cực cho giấc ngủ hơn như đọc sách hoặc nghe nhạc.
6. Tránh uống quá nhiều đồ uống có cồn
“Chúng ta cứ nghĩ rằng uống đồ có cồn vào sẽ cảm thấy tốt hơn trong chốc lát và có cảm giác như bất tỉnh đi vậy, nhưng thực sự điều đó không tốt cho giấc ngủ, ta sẽ chẳng thể có được giấc ngủ ngon”, LeMonda cho biết.
Rượu hay đồ có cồn không phải là một giải pháp hay với cơ chế đối phó lành mạnh dùng để giải quyết nỗi lo lắng và căng thẳng. Một hai ly rượu và giấc ngủ kém có thể sẽ có tác dụng thực sự trong việc làm suy giảm hệ miễn dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận