Sáng 15/7, dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn, nhất là 6 "cơn gió ngược" ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá chung, chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát theo kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy…
“6 cơn gió ngược” cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam, đó là: Suy giảm kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột vũ trang, khả năng chống chịu thích ứng của các nước đang phát triển và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những kết quả bước đầu, đáng khích lệ của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của ngành ngân hàng còn những hạn chế, bất cập. Mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ cộng sinh, nhân quả giữa ngân hàng - doanh nghiệp.
Thủ tướng đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước cần tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trước đó, theo báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%).
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận