Lũ lên nhanh trên sông Ba do lượng nước từ hồ thuỷ điện An Khê - Ka Nak đổ về |
Lũ xấp xỉ báo động 3
Sáng 3/11, Trung tâm khí tượng thuỷ văn khu vực Tây Nguyên cho biết, trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh kết hợp lưỡi áp cao lục địa tăng cường và lấn sâu xuống phía Nam, trên cao hội tụ gió Đông, do vậy tỉnh Gia Lai đã có mưa nhiều nơi, các vùng phía Đông có mưa vừa đến mưa to có nơi mưa rất to. Tính từ 7 giờ ngày 2 đến 7 giờ sáng ngày 3/11, lượng mưa đo được phổ biến từ 150 - 200mm, một số nơi cao hơn 200mm (An Khê: 231 mm). Mưa lớn, mực nước trên các sông có xu tăng nhanh và có lũ, lúc 7 giờ ngày 3/11.
Trước đó Báo Giao thông đưa tin, ngày 2/11, UBND tỉnh Gia Lai có công điện đề nghị chấn chỉnh thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ nhưng không thông báo cho Trưởng ban phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai. Báo Giao thông cũng tiếp cận nguồn tin cho biết việc xả lũ này công ty thuỷ điện xả lũ bất ngờ nhưng chỉ báo bằng tin nhắn, thời điểm đêm khuya khiến cho việc ứng phó lúng túng trong công tác triển khai, làm khó cho địa phương khi triển khai công tác phòng chống lũ cho nhân dân. |
Theo đó, mực nước mưa đo tại An Khê thấp hơn báo động 1 là 0,99 mét; Tại AyunPa thấp hơn báo động 3 là 0,62mét.
Trong 12h tới, áp cao lục địa tiếp tục tăng cường, hội tụ gió Đông duy trì sau giảm dần. Khu vực phía Đông – Đông Nam tỉnh Gia Lai có mưa từ 40 - 80mm, có nơi trên 80mm.
Sáng nay, trên lưu vực sông Ba vùng thượng nguồn mực nước có xu thế giảm, vùng hạ lưu lũ tiếp tục tăng nhanh. Đến trưa hôm nay, lũ có khả năng trên mức báo động 2 và xấp xỉ báo động 3: Tại trạm An Khê: 403.00 m, thấp hơn báo động 1 là 1.50m; Tại trạm Ayun: 155.90m, thấp hơn báo động BĐ3: 0.10m.
Cũng theo cảnh báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn khu vực Tây Nguyên cho biết, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng thấp ven sông Ba.
Có mặt tại Thị xã Ayun Pa, hiện mực nước ở cầu Bến Mộng bắc ngang sông Ba nối với huyện Ia Pa mực nước dâng rất cao. Đã có nhiều khu vực bị cô lập. Lúc 9h30", lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục tiếp cận với khoảng 10 hộ dân ở khu vực P. Sông Bờ. Tại cầu Bến Mộng, lực lượng chức năng cũng triển khai ca nô tiếp cận với trên 10 công nhân ở một lò gạch giữa khu vực bị ngập lụt gần bờ sông Ba.
Xem thêm video:
Xả lũ không thông báo Chủ tịch tỉnh
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND TX. Ayun Pa Nguyễn Văn Lộc cho biết, khoảng 9h tối ngày 1/11, Thị xã nhận được tin nhắn của nhà máy thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ, đến khoảng 1h sáng ngày 2/11, chính thức xả lũ ở hồ chứa thuỷ điện. Việc xả lũ này không báo cáo đúng quy trình, quy định liên quan đến Quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thuỷ điện do Thủ tướng ban hành. Hơn nữa, việc xả lũ này khiến cho chính quyền địa phương bị động trong công tác phòng chống lụt bão. Sau khi nhận được thông báo xả lũ của hồ chứa thuỷ điện, Thị xã đã triển khai ngay lực lượng ứng phó kịp thời, đồng thời sử dụng hệ thống loa phóng thanh, xe tuyên truyền lưu động để thông báo với người dân.
Ngoài nguyên nhân thuỷ điện xả lũ, trên địa bàn Thị xã còn xảy ra mưa lớn trong hai ngày khiến cho mực nước ở trên sông Ba dân cao bất thường, ông Lộc cho biết thêm.
Tại thị xã An Khê, từ đêm 2/11, một số hộ dân ven sông suối đã bị cô lập. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng của địa phương đã di dời khẩn cấp hơn 10 hộ dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo địa phương cho hay, dòng chảy sông ba đoạn qua An Khê là một thung lũng và không có các chi lưu sông. Vậy nên khi thuỷ điện xả lũ xuống dòng sông thì khiến dân cư rất lo lắng. Về mùa hạn thì khu vực này cũng cạn kiệt nhất, nhưng đến khi thuỷ điện xả lũ thì đây cũng là một trong những khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT, Phó thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, "Hiện trên toàn tỉnh giao thông chỉ bị ách tắc trong thời gian ngắn trong sáng nay (3/11). Nguyên do là nước lũ về lớn trên sông Ba đoạn gần (Km 121- Quốc lộ 25, qua xã Ia Sao, TX. Ayun Pa), kéo dài khoảng 30m. Sau khi nước lũ về thì lực lượng công an chốt chặn cảnh báo người dân không qua lại. Còn tại đèo Tô Na (Quốc lộ 25, đoạn giao giữa TX. Ayun Pa và Krông Pa), mưa lớn cũng làm sụt lở ta luy đèo gây ách tắc giao thông khoảng từ 5h sáng.
Công ty CP Quản lý sửa chữa đường bộ Gia Lai đã điều công nhân của hai hạt quản lý đường bộ dùng máy xúc gạt đất đá để thông đường. Đến 8h sáng cùng ngày, xe ô tô lớn có thể qua lại bình thường", có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục đoạn đèo hư hỏng, ông Quế cho biết.
Thông Quốc lộ 25 do mưa gây sạt lở ở đoạn đèo Tô Na |
Cũng theo ông Lê Quý Đức, Giám đốc công ty CP Quản lý và sửa chửa đường bộ Gia Lai cho biết, "Chúng tôi triển khai khắc phục theo hình thức cuốn chiếu, vừa dùng máy xúc vừa cho xe chở đất đá ra khu vực, đảm bảo ATGT đoạn nút đèo Tô Na. Đến 13h chiều cùng ngày, tôi cũng có nghe anh em báo lại là đèo vừa khắc phục xong lại sạt lở. Nên đã báo cáo lãnh đạo Sở GTVT xin ý kiến và yêu cầu anh em công nhân cùng máy móc thiết bị vẫn túc trực tại vị trí sạt lở để sẵn sàng khắc phục tắc đường, đồng thời cứu hộ nếu trường hợp đá lở rơi trúng người dân", ông Đức nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận