Chiều nay (13/12), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe thúc đẩy tiềm năng hợp tác GTVT giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Ann Mawe cho biết bắt đầu nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Việt Nam từ tháng 9/2019 và mong muốn trong nhiệm kỳ của mình sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác, đầu tư thương mại giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực GTVT.
Đại sứ cho biết, năm 2019 ghi dấu nhiều sự kiện với Việt Nam như: Chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020; Ký Hiệp định thương mại tự do với EU; Việt Nam vừa trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu 50 năm Việt Nam - Thụy Điển chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Đây là những cơ hội tốt thúc đẩy thương mại giữa hai nước, cũng như để các doanh nghiệp Thụy Điển đẩy mạnh đầu tư, hợp tác tại Việt Nam”, Đại sứ Ann Mawe nói.
Về lĩnh vực GTVT, theo Đại sứ Ann Mawe, hiện có nhiều doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm đầu tư, hợp tác tại Việt Nam, với định hướng mục tiêu: Phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo và an toàn. Chính vì vậy, Thụy Điển đã quyết định hỗ trợ gói tín dụng 1 tỷ USD cho Việt Nam để đầu tư các lĩnh vực quản lý bay, đảm bảo an toàn bay.
Chúc mừng bà Đại sứ được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Điển và những bước phát triển tốt đẹp trong những năm gần đây. Đặc biệt sau khi Thụy Điển quyết định khôi phục lại Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội vào cuối năm 2011.
Bộ trưởng cũng ghi nhận những phát triển giữa hai nước về thương mại. Riêng năm 2018, tổng kim ngạch hai chiều đạt gần 1,23 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực GTVT cũng đã ghi nhận những hợp tác quan trọng giữa hai bên.
Về tiềm năng hợp tác lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng đánh giá cao và gửi lời cảm ơn Chính phủ Thụy Điển đã dành khoản tín dụng 1 tỷ USD cho mục đích phát triển hàng không. Bộ trưởng hoan nghênh các công ty Thụy Điển quan tâm, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nâng cấp hệ thống quản lý không lưu các sân bay mới, trong đó có sân bay Long Thành.
Riêng đối với dự án sân bay Long Thành, Quốc hội giao Bộ GTVT thực hiện mục tiêu: khi sân bay hoàn thành, các công nghệ, thiết bị được áp dụng, lắp đặt phải là loại hiện đại nhất tại thời điểm đó. “Các doanh nghiệp Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm, thế mạnh về lĩnh vực công nghệ hàng không. Chúng tôi rất hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Điển tham gia đấu thầu rộng rãi theo pháp luật Việt Nam. Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Thụy Điển triển khai các dự án, công trình nếu trúng thầu”, Bộ trưởng Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin những lĩnh vực GTVT giàu tiềm năng hợp tác hai bên, đặc biệt là mở rộng cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam như: Nâng cấp, cải tạo, mở rộng hoặc xây mới các sân bay như Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi; mở các trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam; các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; cảng biển, vận tải biển; cơ khí ô tô…
Hai bên thống nhất sẽ tích cực trao đổi, tìm kiếm cơ hội và hiện thực hóa tiềm năng hợp tác Việt Nam - Thụy Điển lĩnh vực GTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận