Ngày 26/4, một số tờ báo của Phần Lan và Thuỵ Điển đã dẫn nguồn thân cận cho biết, hai nước này sẽ cũng nhau thể hiện nguyện vọng gia nhập NATO vào tháng 5 tới.
Kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập về Nga năm 2014, dù hai nước Thuỵ Điển, Phần Lan tăng cường hợp tác với liên minh quân sự NATO nhưng đều duy trì quan điểm không gia nhập tổ chức này.
Song chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine dường như đã khiến Phần Lan và Thuỵ Điển đánh giá lại lập trường quân sự trung lập lâu nay.
Theo tờ Iltalehti (Phần Lan), lãnh đạo hai nước có kế hoạch gặp mặt vào khoảng 16/5, sau đó sẽ công khai thông báo kế hoạch gia nhập liên minh.
Ba tàu chiến của NATO đã tới Phần Lan để diễn tập, huấn luyện quân sự. Ảnh - Reuters
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto từ chối bình luận nhưng nhấn mạnh lập trường của ông rằng tốt nhất, Phần Lan và Thuỵ Điển nên có sự lựa chọn tương tự nhau.
Tờ Aftonbladet của Thuỵ Điển dẫn nguồn tin thân cận cho hay Mỹ và Anh đã cam kết với Thuỵ Điển về việc tăng cường hiện diện quân sự, tập trận quân sự sâu rộng hơn, ủng hộ về chính trị mạnh mẽ hơn trong quá trình nước này có thể nộp đơn gia nhập NATO.
Hai tuần trước, trong chuyến thăm người đồng cấp Thuỵ Điển Magdalena Andersson, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, có thể Phần Lan sẽ đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO trong vài tuần tới.
Thủ tướng Thuỵ Điển và Phần Lan chụp ảnh trước cuộc gặp diễn ra 2 tuần trước tại Stockholm, Thuỵ Điển. Ảnh - Reuters
Stockholm đang đánh giá chính sách an ninh trong đó đánh giá việc gia nhập NATO và sẽ có kết quả vào giữa tháng 5, theo hãng tin Reuters.
Cùng ngày, theo hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Phần Lan ra thông báo cho biết, đã có 3 tàu chiến của NATO LVNS Virsaitis, ENS Sakala và HNLMS Schiedam đã tới cảng Turku của Phần Lan để huấn luyện 2 tàu quét thuỷ lôi thuộc hạm đội bờ biển Phần Lan.
Hoạt động tập luyện sẽ diễn ra trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 28/4, chuẩn bị để cho phép tàu Phần Lan tham gia vào các lực lượng phản ứng nhanh của NATO trong năm 2022 và tập trung vào các biện pháp rà phá ngư lôi, hoạt động trong khung làm việc đa quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận