Thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…đều có lợi thế với mức thuế quan giảm dần về 0%.
Hôm nay (1/1/2021), vào lúc 6 giờ sáng theo giờ Việt Nam (tức 23 giờ GMT), Việt Nam và Vương quốc Anh đã hoàn tất thủ tục trong nước cho phép áp dụng tạm thời Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA).
Theo đó, các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ UKVFTA là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…với mức thuế quan giảm dần về 0%
Trong đó, thuế nhập khẩu hầu hết sản phẩm tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào Anh được giảm từ mức 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài tôm, cá tra cũng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản.
Đối với ngành dệt may, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh (khoảng 67% đến năm 2025) so với kịch bản không có Hiệp định.
Một mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang Anh với những cam kết từ UKVFTA là gạo khi mức thuế về 0%. Trong khi, năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376% so với năm 2018, nhưng do phải chịu mức thuế cao, nên cũng gặp khó trong cạnh tranh.
Trước đó, ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA và ngày 29/12, Hiệp định UKVFTA chính thức ký kết tại London, Vương quốc Anh.
Bộ Công thương đánh giá, với nền tảng là kế thừa Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA cũng sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ đối tác chiến lược.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thành các thủ tục trong nước để phê duyệt Hiệp định UKVFTA, Bộ này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng tạm thời Hiệp định, đồng thời triển khai việc xây dựng Kế hoạch thực thi nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Anh hiện đứng thứ 16 trong số các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD tính đến tháng 9/2020. Nước Anh đã đầu tư 402 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lũy kế là 3,6 tỷ USD.
Bộ Công thương đánh giá, kể từ khi có hiệu lực (1/8/2020), EVFTA đã trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Cụ thể, từ tháng 8/2020, mặc dù diễn biến dịch bệnh tại EU và các nước trên thế giới rất phức tạp, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU các tháng 8, 9, 10/2020 lần lượt đạt 3,25 tỷ USD, 3,07 tỷ USD và 3,3 tỷ USD, tăng 4,2%, 8,7% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận