Kinh tế

Thủy sản Việt bị quy chuẩn cản đường xuất ngoại

05/07/2019, 06:49

Hàng loạt hiệp định được ký kết mở rộng cơ hội DN Việt làm ăn với quốc tế thì lối ra của họ lại bị cản tại môi trường kinh doanh nội địa.

img
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản bức xúc với quy định bất hợp lý về chỉ tiêu phốt pho trong nước thải. Ảnh: Khánh Linh

Quy định ta làm khó ta?

Ngay khi Hiệp định EVFTA và IPA được ký kết cuối tuần qua, một cuộc gặp đã được Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung lên lịch ngay trong ngày với “đôi lời muốn nói” về cơ hội hội nhập của các doanh nghiệp (DN) Việt. Nối tiếp theo đó là sự xuất hiện của Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Nguyễn Hoài Nam được ông Cung giới thiệu là một “case study” (trường hợp điển hình) về nạn nhân bị rào cản hội nhập, vươn ra thị trường quốc tế.

Ngay sau khi được giới thiệu, ông Nam lập tức “vào đề”: “Báo chí từng nói tới vụ một vị Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT mất ca-tap gần 400 triệu đồng khi đi thanh tra hồi năm 2017 hay mới đây là vụ việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng “vòi” tiền tại Vĩnh Phúc bị phát hiện. Thực ra chúng tôi không có gì ngạc nhiên”, ông Nam lấy ví dụ và chỉ hàng loạt bất cập các DN thủy sản đang phải chịu đựng.

Cụ thể, tiêu chí trở thành vấn đề tranh cãi qua lại rất lâu giữa các DN thủy sản, VASEP và Bộ TN&MT là chỉ tiêu phốt pho. Theo đó, ban đầu cơ quan TN&MT quy định chỉ tiêu phốt pho trong nước thải (Theo Quy chuẩn Việt Nam - QCVN) là dưới 6mg/lít, sau nhiều năm kiến nghị, chỉ tiêu này được nâng lên 20mg/lít mà không có một cơ sở nào mang tính thuyết phục.

Giải thích về chỉ tiêu phốt pho (và nitơ) trong nước thải, ông Nam cho biết: Công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Do sử dụng nhiều trong quá trình chế biến nên nước thải của các nhà máy chế biến tôm đi Mỹ có chỉ tiêu phốt pho cao (từ 2-9 lần so với QCVN 11:2015). Chưa kể, khi DN sử dụng nước ngầm để sản xuất thì chỉ tiêu phốt pho có sẵn trong nước nhiều khi đã lên mức 19mg/l. Do vậy, kể cả bỏ ra chi phí rất lớn nhưng nước thải sau xử lý vẫn không thể đạt yêu cầu theo QCVN. Điều này dẫn tới tình trạng khi Đoàn thanh, kiểm tra của các Sở TN&MT kiểm tra thì hầu hết DN chế biến thủy sản đều “dính án”.

“Đoàn Thanh tra môi trường lấy mẫu kiểm tại 3 thời điểm khác nhau nhưng thường chọn giá trị vi phạm cao nhất để xử phạt DN. Khi đó, mức phạt lên tới vài trăm thậm chí cả tỷ đồng”, ông Nam nói và cho biết thêm, tiền phạt là một chuyện nhưng quan trọng hơn, khi đối tác nhập khẩu thấy DN vi phạm quy định về môi trường ở nước sở tại sẽ lập tức hủy đơn hàng do hiện nay các tiêu chí về trách nhiệm xã hội như môi trường, lao động được đặt lên hàng đầu. “Liên quan tới trách nhiệm xã hội họ sẽ ngừng đặt hàng ít nhất hai năm. Mà như thế thì coi như chết rồi”, ông Nam than.

Chính vì vậy, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, quy định của Việt Nam vô hình chung đã tự gây bất lợi cho các DN Việt khi cạnh tranh với các đối thủ bởi ngay trong khu vực ASEAN, quy định về tiêu chuẩn nước thải thủy sản ở mức cao như chỉ tiêu phốt pho từ 30mg/l tới 100mg/l, thậm chí có nước không quy định bởi phốt pho trong nước thải rửa tôm cá chủ yếu là phốt pho hữu cơ, dễ phân hủy.

Không dám khóc, chỉ có đi đêm!

Khi các hàng rào bên trong, cụ thể là các điều kiện kinh doanh, tư duy về quản lý chuyên ngành không được gỡ bỏ thì các nỗ lực dồn dập của Chính phủ trong ký kết các hiệp định thương mại tự do không được hậu thuẫn bên trong, các tác động dự kiến từ các FTA tới nền kinh tế sẽ khó được hiện thực.
Chìa khóa ở đây vẫn là cải cách môi trường kinh doanh, cải cách tư duy về quản lý chuyên ngành. Không thể để các rào cản bên trong chắn đường ra cao tốc của doanh nghiệp Việt.
TS. Nguyễn Đình Cung


Hàng chục văn bản kiến nghị qua lại, rất nhiều cuộc gặp hai bên và nhiều bên nhưng tới nay vấn đề hàm lượng phốt pho trong nước thải vẫn chưa được giải quyết. Ông Nam cho biết, mới nhất ngày 1/4/2019, một cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức giữa VASEP, đại diện Bộ NN&PTNT, đại diện Bộ TN&MT với hơn 20 người tham dự để tháo gỡ và đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Ông Nam bức xúc kể với PV về thái độ “như chưa biết gì” của đại diện Bộ TN&MT: “Họ đổ thừa những chỉ tiêu ấy do bên VASEP đề xuất làm tôi cũng bị sốc”.

Tới nay, VASEP có rất nhiều văn bản kiến nghị, trong đó trích dẫn cơ sở khoa học về tác động môi trường, viện dẫn quy định của các nước đối thủ trong khu vực là Indonesia, Thái Lan, Malaysia rồi các nước đối tác nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, thậm chí còn mời hai vị giáo sư đầu ngành trong đó có PGS. TS. Lưu Đức Hải (nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đi khảo sát ngẫu nhiên, kiểm tra đột xuất một số nhà máy để đảm bảo tính khách quan. Hai vị giáo sư này sau đó thậm chí còn có thư tay để kiến nghị thay cho các DN thủy sản. Nhưng nay, những kiến nghị này vẫn rơi vào im lặng, Bộ TN&MT không hồi âm.

Hàng năm, các đoàn thanh tra T.Ư thanh tra 80-90% nhà máy thủy sản, còn địa phương thì kiểm tra 100% nhà máy. Khi bị thanh tra, hầu hết nhà máy đều phi phạm ở chỉ tiêu phốt pho. Trong thời buổi công nghệ 4.0, chỉ cần thông tin vi phạm quy định môi trường lọt ra ngoài là đối tác ngừng đơn hàng. “DN không dám nói với bất cứ ai, không dám khóc với ai mà chỉ có đi đêm”, ông Nam thậm chí không ngại văng tục khi nói tới tình trạng này.

Ông Nam cũng tiết lộ, theo quy trình, thanh tra xong thì cơ quan thanh tra sẽ dự thảo quyết định xử phạt trong một vài tháng. Trong thời gian ấy, hàng loạt DN trong Nam âm thầm bay ra Hà Nội.

Ông Nam kể tiếp: “Qua mấy năm, ban đầu tôi đi theo quy trình gửi kiến nghị lên đơn vị phụ trách, rồi Bộ trưởng Bộ TN&MT, bây giờ đã lên tận Văn phòng Chính phủ mà vẫn không được”.

Ngoài chỉ tiêu phốt pho, còn 8 nội dung khác mà VASEP kiến nghị như quy định chỉ tiêu nước thải từ ao nuôi tôm cá đánh đồng với nước thải công nghiệp từ nhà máy dệt may, da giày; quy định chế biến thức ăn phải dùng muối i ốt... nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp. “Từ năm 1997, các DN thủy sản Việt Nam đã vào danh sách số 1 và được xuất khẩu vào thị trường EU. Các tiêu chuẩn kháng sinh hay các hàng rào khác chúng tôi đều vượt qua. Nước ngoài vượt qua mà trong nước khó quá. Hỏi vì sao thì họ nói ở Việt Nam phải theo tiêu chuẩn Việt Nam, phải bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”, ông Nam than.

FTA hăm hở ký nhưng lại chưa quan tâm nội luật

Bộ TN&MT đang xem xét giải quyết
Sáng 4/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, đã giao Tổng cục Môi trường xem xét giải quyết về kiến nghị sửa đổi nội dung tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chế biến thủy sản QCVN 11:2015. “Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang tiến hành soát xét và nghiên cứu các chỉ tiêu đã được quy định tại QCVN. Thực chất chúng tôi cũng đang phải đứng giữa hai sức ép. Một là về phía hiệp hội, DN thì muốn nới rộng quy định, giảm chi phí đầu tư để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh khi hội nhập. Tuy nhiên, nếu theo các hiệp định thương mại đã ký, càng hội nhập sâu rộng thì hoạt động quản lý nhà nước về môi trường lại càng phải thắt chặt hơn. Nếu quy chuẩn về bảo vệ môi trường không được nâng cao thì rất dễ hàng hóa của chúng ta bị tẩy chay. Do đó, các DN cũng nên hiểu chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường cũng đồng nghĩa góp phần gia tăng giá trị thương hiệu, chiếm được niềm tin của khách hàng”.


Câu chuyện của ngành Thủy sản là một ví dụ điển hình trong rất nhiều thực tế hiện nay mà TS. Nguyễn Đình Cung đã phải nhấn mạnh “báo động chuyện một mình một luật”. “Mình cứ đi ký kết hết cái này cái khác nhưng nay khối FDI vẫn chiếm tới 75% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Thặng dư là của họ, còn trong nước thì thâm hụt thế. Nhiều cơ hội nhưng DN không được hưởng nhiều. Ngành mà ta thế mạnh, xuất khẩu được là ngành nông nghiệp thì lại bị ràng buộc lớn như vậy”, ông Cung nhìn lại nhiều vấn đề trong hỗ trợ nông thủy sản xuất khẩu hiện nay và tương tự nhiều ngành khác.

“DN được hưởng gì sau các cơ hội về thương mại? Muốn mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu nhưng khi vận hành thì bị rào cản không thể vượt qua được. Hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn tệ hại hơn các hàng rào phía nước mình xuất khẩu”, ông Cung nhận xét và phân tích: Rào cản bên ngoài có nhưng quy định rõ ràng và minh bạch. Trong nước cản trở nhiều hơn, vượt qua nó phải tốn kém chi phí. Thế nên chỉ cần đối thủ cạnh tranh lợi dụng “thì thôi rồi”.

Trả lời câu hỏi, tại sao Việt Nam lại đưa ra hàng rào kỹ thuật vô lý, tốn kém, ông Cung cho rằng: “Do năng lực hoặc lạm dụng khiến DN luôn ở thế sai để họ thực hiện thanh tra, kiểm tra vì họ biết kiểu gì DN cũng sẽ vi phạm”. Ông Cung cũng đánh giá các hàng rào kỹ thuật của Việt Nam về điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động, môi trường... gần như khó tuân thủ hoặc tuân thủ được với chi phí rất cao so với ở nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.