Một người đàn ông phải thở bằng mặt nạ dưỡng khí vì nghi hít phải khí độc hóa học (Ảnh minh họa) |
Thụy Sỹ khẳng định chưa có bằng chứng chất isopropanol của nước này xuất sang Syria được dùng với mục đích bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Bern sẽ tăng cường kiểm soát nguồn cung chất này, một phát ngôn viên của Ban thư ký quốc gia về kinh tế (SECO) của chính phủ Thụy Sỹ cho biết.
“Cho đến nay, không có dấu hiệu lạm dụng isopropanol nào được phát hiện”, ông Fabian Maienfisch nói.
Ông Maienfisch cũng lập luận rằng Syria đã thông báo về chương trình vũ khí hóa học vào năm 2013 và tham gia Công ước Vũ khí Hóa học.
Ngoài ra, Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) cũng xác nhận việc phá hủy kho vũ khí hóa học Syria đã hoàn tất.
Theo người phát ngôn này, trái ngược với việc cấm xuất khẩu isopropanol sang Syria của Liên minh châu Âu do các biện pháp trừng phạt chống Syria, Thụy Sỹ đã tiêu chuẩn hóa xuất khẩu sản phẩm này theo luật.
Việc xuất khẩu các sản phẩm này từ Thụy Sỹ chỉ bị cấm khi có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp chất này.
Tại Thụy Sỹ, hiện không có hướng dẫn nào cấm xuất khẩu isopropanol sang các quốc gia Trung Đông, nhưng chính sách xuất khẩu chất này sẽ được thắt chặt hơn trong tương lai.
Vài ngày trước, phương tiện truyền thông Thụy Sỹ đưa tin rằng vào năm 2014, Bern đã cho phép xuất khẩu 5 tấn isopropanol, được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa chất để sản xuất các chất khử trùng, mỹ phẩm, hóa chất gia dụng và chất chống đông.
Tuy nhiên, chất hóa học này cũng có thể được sử dụng trong sản xuất khí sarin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận