Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, cứu tinh trên biển của ngư dân Việt |
Ăn sóng nói gió, lấy biển là nhà, chất người chiến sĩ hòa quyện chất biển mặn mòi như tôi luyện phong thái vị thuyền trưởng tàu SAR 412 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, Danang MRCC). Hơn 10 năm, vị thuyền trưởng Phan Xuân Sơn là điểm tựa can trường cứu hàng trăm ngư dân “trước miệng hà bá” giữa trùng khơi Hoàng Sa - Trường Sa.
Phá thế vây ráp
Những ngày cuối năm, bên trong các phòng làm việc trên tàu SAR 412 luôn tất bật. Trong buồng máy, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn (SN 1958) tỉ mỉ kiểm tra nhật ký hành trình, đối chiếu với các thông số lưu trên thiết bị điện tử. Hơn 10 năm trực tiếp chỉ huy tàu SAR 412, ông Sơn như cuốn “bản đồ sống” về các luồng lạch hàng hải, tọa độ giữa biển trời Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ tay về màn hình radar, khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Sơn nhắc về sự kiện mình không thể quên khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng xâm phạm, uy hiếp không cho SAR 412 cứu nạn tàu các của ta cách đây hơn một năm. Chiều ngày 21/10/2015, tàu cá số hiệu KH 96977 TS do thuyền trưởng Phan Thành Kim (trú huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) lèo lái đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa bất ngờ gặp giông lốc (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Koppu) và chết máy. Tình thế nguy hiểm, các ngư dân mệt lả sau những giờ chống chọi bất thành, lương thực, nước ngọt vơi dần, ông Kim vội điện báo cứu nạn khẩn cấp.
Tàu SAR 412 được lệnh đạp sóng trực chỉ Hoàng Sa, tiếp cận tàu KH 96977TS sau hơn 15 giờ đồng hồ. Đang chuẩn bị công tác cứu hộ, cứu nạn, cả hai tàu cá và SAR 412 bất ngờ bị Trung Quốc ngăn cản phi pháp, vô nhân đạo. “Chúng tôi đã phát thông tin cứu hộ đúng quy định. Khẳng định tính nhân đạo, quốc tế nhưng phía tàu Trung Quốc liên tiếp khiêu khích”, ông Sơn kể.
Trong vòng vây ráp, tàu SAR 412 vẫn bám trụ, linh hoạt vòng tránh khỏi các hành động “tạo cớ” của phía tàu Trung Quốc khi cố ý tăng tốc, cắt mặt rồi giảm tốc độ đột ngột, tạo tình thế để tàu SAR 412 đâm trực diện vào chúng… Đến 14 giờ ngày 22/10/2015, biết không thể ngăn cản được sự kiên trì của tàu SAR 412, tàu Trung Quốc mới giãn vòng khiêu khích. Thuyền trưởng Sơn cho tàu tiếp cận thành công tàu cá KH 96977TS, tiến hành chăm sóc y tế cho các ngư dân. Trên đường về, tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn bám theo gần 100 hải lý mới chịu rời đi.
Xem thêm video:
Nợ vợ con... những đêm Giao thừa
Sinh ra tại TP Vinh (Nghệ An), ông Sơn từng học ĐH Hàng hải Hải Phòng trước khi đi bộ đội. Năm 1984, chàng thanh niên 26 tuổi đầu quân cho Công ty Vận tải sông biển Nghệ An, bắt đầu nghiệp thủy thủ trên con tàu Sông Lam. “Hồi mới đi bỡ ngỡ lắm, còn say sóng nữa. Suốt thời sinh viên xa nhà không sao, lên tàu đi nước ngoài một tuần là nhớ nhà. Cảm giác mênh mông bốn mặt là nước khiến khoảng cách xa diệu vợi, nhớ càng thêm nhớ”, ông Sơn tâm sự.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Vietnam MRCC, ông Phan Xuân Sơn là một thuyền trưởng mẫu mực, niềm tự hào của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam. “Anh Sơn khiến lớp lớp thủy thủ phải nghiêng mình thán phục về sự cương quyết, thông minh, linh hoạt xử lý tình huống trên biển. Anh đồng thời là tấm gương mẫu mực cho thế hệ kế cận soi mình, trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân Việt Nam”, ông Vũ nói. Với những đóng góp quên mình trong sự nghiệp cứu nạn hàng hải, đầu năm 2016, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. |
20 năm đi tàu viễn dương, kiến thức, kỹ năng đi biển được trui rèn khiến thuyền trưởng Sơn càng thêm can trưởng, rắn rỏi.
Năm 1993, ông Sơn gặp và cưới chị Trần Thị Mỹ Duyên tại Đà Nẵng. Có vợ, ông Sơn rời Nghệ An về Quảng Ngãi làm thuyền phó tàu Long Xuyên (8.000 tấn) để rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai vợ chồng.
Đúng là công việc đã chọn người, một ngày giữa năm 2004, ông Sơn được lệnh từ Nhật Bản về Đà Nẵng đi tiếp nhận con tàu SAR 412- tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam thời đó do Công ty Damen (Hà Lan) sản xuất và trở thành “ông chủ” của con tàu kể từ ngày đó. Hoàng Sa - Trường Sa, những “tọa độ đỏ”, vì thế như chốn đi về của vị thuyền trưởng đầy bản lĩnh. Hàng nghìn hành trình SAR 412 như tạo thành tuyến đai “lá chắn thép” kịp thời cứu hộ, cứu nạn bảo vệ các tàu thuyền ngư dân, vận tải…
“12 năm đi tàu cứu nạn là chừng ấy năm tôi không ở bên gia đình phút Giao thừa, chưa có giờ phút đón thời khắc năm mới trọn vẹn với vợ con”, ông Sơn bộc bạch. Không ít hành trình tàu SAR 412 xuyên Tết trên biển. Thuyền trưởng Sơn bày soạn mâm cỗ, cầu mong một mùa biển an lành, chỉ biết chúc Tết gia đình qua… điện thoại.
“Thuyền trưởng thép”
Thống kê Danang MRCC chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị cứu nạn gần 40 vụ, riêng tàu SAR 412 cứu 23 vụ, chiếm phân nửa số sự cố trên biển mà trung tâm tham gia. Nói về vị thuyền trưởng, Đại phó Trần Quang Thanh khẳng định, bản lĩnh, phong cách của ông Sơn chính là tấm gương cho cả tàu. Về đất liền, thuyền trưởng Sơn đi đầu trong việc học tập nâng cao kinh nghiệm, tạo nề nếp sinh hoạt cho toàn tàu. Các cán bộ chiến sĩ trên tàu thán phục sự quyết đoán, chắc chắn của thuyền trưởng Sơn khi tự bỏ tiền túi mua bản quyền hai website dự báo thời tiết biển của Mỹ và Hong Kong để đối chiếu với dự báo của Việt Nam, quyết định thành bại trong mỗi chuyến vươn khơi.
“Đi tàu viễn dương mấy chục năm, may thay chưa lần nào gặp sự cố lớn hay cướp biển”, ông Sơn cho biết. Theo ông, số lượng hải trình đã qua giúp ông làm quen hàng trăm thủy thủ khắp mọi miền đất nước, cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Đến giờ, một số người ông vẫn giữ liên lạc. Có người bỏ nghề, người đi tàu quốc tế, cả một người bạn thân của ông cũng bệnh rồi mất sớm; duy chỉ ông gắn bó trọn với nghề cứu nạn, coi “biển là bạn, tàu là nhà”.
Niềm vui lớn nhất khi cả hai con của vị thuyền trưởng đều chăm ngoan, học giỏi. Ngoài cô con gái út du học tại Mỹ, con trai lớn của ông Sơn cũng đang là sinh viên ĐH GTVT TP HCM ngành Xây dựng. Bà Duyên (vợ ông Sơn) bộc bạch: “Nhiều khi thấy ổng yêu tàu, say mê biển mà… ghen. Nhưng anh Sơn là thế, hết mình cho công việc và luôn yêu thương gia đình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận