Hàng hải

Thuyền trưởng viễn dương kể chuyện "nhập gia tùy tục"

26/06/2023, 17:11

Thuyền viên làm việc trên các tàu viễn dương luôn phải tìm hiểu và chấp hành những quy định khắt khe của các nước mà tàu cập cảng.

Nhiều quy định khắt khe

Suốt nhiều tháng nay, thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Quân (Tàu BienDong Freighter) lênh đênh trên tuyến Malaysia - Ấn Độ và chạy một số tuyến nội Ấn Độ. Làm việc trên tuyến này, anh Quân và đồng nghiệp phải để ý, tuân thủ những quy định khắt khe của các quốc gia có nhiều người Hồi giáo này.

img

Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Quân đang làm việc trên tàu BienDong Freighter

Một trong những điểm đặc trưng văn hóa của các quốc gia Hồi giáo là những nghiêm khắc liên quan tới phụ nữ. Theo anh Quân, các cảng biển anh hay cập vào làm việc như Malaysia hay Ấn Độ hầu như không thấy “bóng hồng” nào hoạt động trong khu vực cảng. Không chỉ các công nhân xếp dỡ, tới đại lý hay những người xử lý hóa đơn, chứng từ đều là nam giới.

Đây cũng là tình huống mà nhiều thuyền viên trên tàu viễn dương chứng kiến, đặc biệt khi hoạt động trên các tuyến tại những cảng biển của các nước Hồi giáo.

Thuyền trưởng Chu Văn Tâm (Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK) tiết lộ, nhiều công ty, đại lý hay cho anh em trên tàu những cuốn lịch đôi khi có in hình ảnh những người mẫu ăn mặc gợi cảm. Thế nhưng mỗi lần vào khu vực vùng nước cảng biển của vùng Trung Đông hoặc một số quốc gia Hồi giáo, tàu của anh đều được lưu ý trước những quy định nghiêm ngặt, đặc biệt khi liên quan tới phụ nữ.

Ngoài việc tuyệt đối cấm sử dụng những trang web, phim mang hình ảnh có tính chất đồi trụy đã đành, họ còn cấm mang cả những văn hóa ấn phẩm có hình ảnh phụ nữ ăn mặc gợi cảm. Khi tàu cập cảng, thanh tranhà nước cảng biển (PSC) sẽ lên tàu kiểm tra rất kỹ, thậm chí kiểm tra cả máy tính, điện thoại, băng đĩa, sách báo của các thuyền viên. Nếu PSC phát hiện trên tàu có những hình ảnh bị cấm trong quy định, chủ tàu và thuyền viên sẽ bị phạt rất nặng.

“Nhập gia tùy tục. Chúng tôi luôn được chính quyền gửi trước các quy định và những lưu ý. Có lần vào cảng biển Dammam (tại Saudi Arabia), tôi phải triệu tập cuộc họp các thuyền viên trên tàu để thông báo. Các anh em phải tự tóa các phim ảnh liên quan hoặc giao nộp các hình ảnh, sách báo, ấn phẩm có những hình ảnh trong danh sách bị cấm để cất trong kho hoặc tiêu hủy”, anh Tâm nhớ lại.

Thuyền trưởng trẻ cũng khẳng định, đó là văn hóa của từng quốc gia nên tàu phải thực hiện. Nếu tàu không thực hiện các quy định, không chỉ thuyền viên trên tàu mà cả chủ tàu, đại lý, người thuê tàu... đều bị ảnh hưởng.

Chưa kể tại những cảng biển này, còn có nhiều quy định khắt khe như phạt nặng các hành vi chụp ảnh, quay camera mà không xin phép. Thậm chí, nếu chụp ảnh hay quay video tại một số khu vực cấm, thậm chí có thể bị phạt tù.

Những "nguyên tắc ngầm"

Không riêng các quy định khắt khe liên quan tới phụ nữ, những thuyền viên chạy trên các tuyến tới các nước Hồi giáo cũng được “mắt thấy, tai nghe” nhiều nguyên tắc đặc biệt mà có lẽ, chỉ những người đi tàu mới được biết, được thấy.

Máy trưởng Nguyễn Văn Chính (Tàu BienDong Navigator) cho hay anh cũng hay chạy chuyên tuyến Malaysia - Ấn Độ. Trong đó, cảng biển tại Ấn Độ có nhiều quy định rất riêng biệt.

Cứ vào mỗi buổi chiều khi mặt trời lặn, đến đúng một khung giờ, hầu hết công nhân, văn phòng tại cảng sẽ dừng làm việc để tập trung tại một nhà thờ trong khu vực cảng làm lễ cầu nguyện. Tuy nhiên, cảng vẫn phân công một số công nhân tại phải duy trì công việc để đảm bảo tiến độ làm hàng của tàu.

Dù vậy, theo lời anh Chính, một số thủ tục làm hàng tại nơi đây còn rườm rà, chưa được nhanh gọn và hiện đại như nhiều nơi khác. Chính quyền cảng tới kiểm tra tàu phải theo từng ban bệ, đoàn thể.

Nhưng đó chưa phải tất cả bởi có những cảng lại có nguyên tắc ngầm riêng. Đánh giá trình độ chuyên môn và tiếng anh của những thuyền viên hay người Ấn Độ làm việc cùng khá tốt, song thuyền trưởng Quân cho biết mỗi khi cập cảng Kolkata, nơi này có nguyên tắc riêng mà các tàu vào cảng phải tuân thủ. Theo đó, các tàu vào cảng đều phải có quà để tặng PSC hay hoa tiêu.

“Thuốc lá và rượu bia ở quốc gia Hồi giáo bị đánh thuế rất cao, giá thành đắt nên họ thích được tặng những món đồ này”, vị thuyền trưởng chia sẻ và thông tin thêm, chủ tàu khai thác tuyến tới cảng biển này luôn phải có thêm các chi phí liên quan tới quà tặng cho mỗi lần vào cảng.

Chưa kể, làm việc với những người có tín ngưỡng, tôn giáo riêng, anh cũng biết được nhiều văn hóa đặc trưng của họ như tuyệt đối không ăn thịt bò, chỉ ăn trứng luộc, hoa quả hoặc thịt gà.

Các nguyên tắc ngầm gây khó khăn đã là một lẽ, nhưng khó khăn nhất với các thuyền viên Việt Nam có lẽ chính là thời tiết khắc nghiệt tại những khu vực này. Ngay như tại Ấn Độ vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 45- 48 độ, thậm chí 50 độ C, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của các thuyền viên.

Trong cái nắng nóng đó, thuyền viên vẫn liên tục phải làm việc để bảo quản, bảo dưỡng hàng hóa, máy móc trên tàu nhằm đáp ứng cho nhu cầu khai thác.

“Chúng tôi chỉ cố gắng đảm bảo sức khỏe cho anh em như rút ngắn giờ làm, đảm bảo dinh dưỡng, nấu nướng thực phẩm phù hợp với khẩu vị mỗi người, nấu các món ăn thanh mát để giải nhiệt và giúp thuyền viên hồi sức”, thuyền trưởng tàu BienDong Freighter thổ lộ.

Nói như thuyền trưởng Chu Văn Tâm, nghề đi biển tới nay vẫn luôn là nghề khó khăn vất vả. Không chỉ đối mặt với sóng gió, với những hiểm nguy đe dọa sự an toàn và tính mạng, còn chịu thiệt thòi vì hay phải xa gia đình.

Có lẽ vì thế, số người muốn đi biển ngày càng ít đi. Không ít đồng nghiệp của anh cũng chỉ nhằm đi vài năm để có tiền, lên bờ lập nghiệp, không còn nhiều người giữ lửa được đam mê với nghề.

"Tôi luôn phải nắm bắt tâm lý của anh em, kịp thời chia sẻ và động viên, giải tỏa cho họ. Làm nghề này, thuyền viên luôn chấp nhận chịu thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân để làm nên những kết quả chung", thuyền trưởng Tâm bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.