Giờ những ngày lênh đênh trên biển của thuyền viên sẽ bớt buồn, bớt cô đơn hơn khi tàu được lắp mạng vệ tinh.
Cha qua đời, vợ sinh con cũng không biết
Nhiều chủ tàu quốc tế hiện nay đã trang bị internet trên tàu, nâng cao chất lượng đời sống thuyền viên. Ảnh: Inmarsat.
Chuẩn bị hành trình trên biển dài cả tháng trời, nhưng tâm trạng của thuyền trưởng Phạm Văn Đại (Công ty TNHH Vận tải Hải Phương) khá tốt.
Kể từ khi chủ tàu lắp đặt mạng vệ tinh Vsat trên tàu, đời sống của anh và các thuyền viên thoải mái, vui vẻ hơn.
Theo Cục Hàng hải VN, Công ước Lao động hàng hải (MLC) hiện đã cập nhật hạng mục về quyền lợi của thuyền viên về việc được kết nối xã hội - trong đó có kết nối internet trên tàu. Theo đó, các chủ tàu, trong khả năng có thể thực hiện, cung cấp cho thuyền viên khả năng truy cập internet trên tàu với mức phí (nếu có) ở mức hợp lý. Tuy nhiên, điều khoản này đang lấy ý kiến và chưa chính thức bắt buộc áp dụng.
Hiện nay, một số chủ tàu Việt Nam (chủ yếu tàu chạy tuyến quốc tế) đã lắp đặt mạng vệ tinh (Vsat) trên tàu. Đây là trạm thông tin vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ, giúp kết nối sóng internet từ vệ tinh cho các tàu nhằm phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, truy cập internet...
Nhiều năm trước, mỗi lần muốn liên lạc về nhà hỏi thăm tình hình, anh chỉ còn cách chờ khi tàu cập cảng biển, mua sim ở các quốc gia cảng biển đó để nhắn tin cho người thân.
Với những người đi biển, việc không có internet, không có sóng điện thoại khiến họ gần như cắt đứt liên lạc với thế giới trên bờ. Vì thế, những tình huống trớ trêu không ít lần xảy ra.
Anh Đại kể, có lần xuất phát từ cảng biển Hải Phòng đi tuyến Châu Á, đồng nghiệp của anh là Phó 2 (người Hà Tây) luôn bất an vì bố ở nhà bị bệnh, chỉ có hai người em chăm sóc.
Khi tàu cập cảng ở Indonesia, có sóng roaming, anh nhắn tin về nhà hỏi thăm mới biết bố đã qua đời. Thời điểm người bố mất, người nhà của Phó 2 này không thể liên lạc được với anh.
Tại Indonesia, tàu vẫn chờ ở khu neo, chưa được làm thủ tục nhập cảnh nên đồng nghiệp của anh Đại không thể mua được sim điện thoại để gọi về nhà, chỉ có thể nhắn tin.
“Sau chuyến đó, tàu của chúng tôi còn phải ghé vào TP.HCM và việc đợi làm thủ tục nhập cảnh cũng mất vài ngày. Khi công ty sắp xếp cho anh ấy về nhà chịu tang thì bố anh đã mất được khoảng 1 tháng”, thuyền trưởng Đại nhớ lại.
Ở một con tàu khác, năm 2010, thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Quân (Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông) cũng rất sốt ruột vì sắp đến ngày vợ sinh con đầu lòng.
Nhưng giữa đại dương mênh mông, không có sóng điện thoại hay internet, anh không thể liên lạc được về nhà. Tới khi tàu cập cảng biển Thái Lan, anh lập tức mua sim điện thoại gọi về cho vợ nhưng không thấy bắt máy. Anh nóng lòng gọi cho mẹ thì biết bà xã đã “mẹ tròn con vuông” được 2 ngày.
“Lúc về nhà, con tôi cũng đã được hơn 1 tháng, phải mất vài ngày bé mới quen được với bố”, anh Quân kể và thông báo tin vui gần đây, chủ tàu đã lắp mạng vệ tinh trên tàu nên thuyền viên có thể thường xuyên cập nhật tình hình ở nhà.
Thuyền trưởng Quân khoe chỉ còn vài ngày nữa, vợ anh sẽ sinh con thứ 3. Hiện, anh đã có thể thường xuyên gọi điện về nhà động viên vợ, gọi video để thấy được sắc mặt, sức khỏe của bà xã vẫn ổn.
“Kéo” biển lại gần bờ
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đại tranh thủ nhắn tin hỏi thăm gia đình sau giờ làm việc trên tàu.
Kể từ khi chủ tàu lắp mạng vệ tinh, với các thuyền viên, đó là điều hạnh phúc vì đời sống tinh thần của họ được cải thiện. Sau mỗi giờ làm việc, họ có thể được lướt mạng theo dõi tin tức, cập nhật thông tin ở nhà, cũng như giải trí, nắm được các xu hướng đang phổ biến trong xã hội.
Nói như máy trưởng Nguyễn Văn Chính (tàu Biendong Navigator), có những thuyền viên trên tàu của anh còn trở thành Tiktoker khi có thể làm các video về cuộc sống trên tàu, cập nhật những xu hướng đang hot trên mạng xã hội.
Anh Chính kể trước đây, người đi tàu được coi là lạc hậu ngay trong chính thời đại mình đang sống. Bản thân anh nhiều lần đi tàu cả nửa năm trời mới về, lên bờ bị thiếu kiến thức và thiếu hiểu biết về tình hình xã hội. “Phải mất một thời gian, tôi mới dần hòa nhập và quen được với cuộc sống ở nhà”, anh thổ lộ.
Bởi thế, khi nghe tin chuyến tàu đầu tiên được phủ mạng vệ tinh, anh Chính phấn khởi, háo hức tới nỗi còn tìm hiểu kỹ xem được cung cấp bao nhiêu dung lượng, có thể làm những gì với tần đó dung lượng. Anh ví von, mạng internet là cầu nối kéo biển lại gần bờ, kéo tàu lại gần nhà.
Chưa kể, việc lắp mạng internet cũng giúp các chủ tàu quản lý tài sản và công việc của mình tốt hơn. Vị máy trưởng tiết lộ có lần chuẩn bị nhổ neo khỏi khu neo ở Kolkata (Ấn Độ), tàu của anh gặp sự cố lỗi hệ thống điều khiển. Lập tức, anh gọi điện về công ty để xin hỗ trợ, còn có thể gọi điện cho thầy của mình để nhờ tư vấn. Kết quả, sự cố đã được xử lý trong 20 phút, không gây ảnh hưởng tới việc khai thác của tàu.
“Trước đây mỗi lần bị sự cố, thuyền viên chỉ có cách tự tìm hiểu, đọc tài liệu để tìm cách xử lý. Gửi mail về công ty cũng bị chậm và không thể nói hết vấn đề, gây ảnh hưởng lớn tới việc khai thác”, anh Chính chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông cho biết, việc triển khai lắp đặt mạng vệ tinh cho tàu nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, giúp xử lý kịp thời các sự cố, tình huống khẩn cấp. Có nhiều gói mạng để các chủ tàu lựa chọn, trang bị cho tàu của mình, dao động từ 20 triệu đến hơn 40 triệu/tháng, chưa kể phí lắp đặt ban đầu lên tới hàng trăm triệu. Gói cước càng cao, dung lượng cho thuyền viên sử dụng càng cao.
“Dù tốn thêm chi phí nhưng đánh giá những lợi thế mang lại, việc lắp mạng vẫn mang tới hiệu quả, đặc biệt với tàu chạy quốc tế. Chủ tàu có thể giám sát tàu thường xuyên, dẫn tới ít rủi ro hơn. Lúc khẩn cấp, có thể gọi video để xem trực tiếp hiện trường và tư vấn cách xử lý. Đặc biệt, thuyền viên có tâm lý thoải mái sẽ làm việc hiệu quả hơn”, vị đại diện chia sẻ.
Theo các chuyên gia, các chủ tàu Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã nhìn nhận được sự quan trọng của thông tin liên lạc với các thuyền viên từ lâu. Ở các quốc gia này, hầu hết đều đã lắp mạng vệ tinh cho tàu. Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC) cũng đã cập nhật quy định thuyền viên có quyền được kết nối xã hội, trong đó có truy cập internet khi làm việc trên tàu.
Còn tại Việt Nam, hiện mới chỉ có một số chủ tàu trang bị mạng internet cho tàu nhưng không phải tàu nào, thuyền viên cũng được quyền sử dụng internet tốc độ cao.
Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý, việc sử dụng internet trên tàu cũng cần được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng thuyền viên lạm dụng mà lơ đễnh công việc, gây mất an toàn trong quá trình tàu hành trình. Bởi trên tàu, mọi vấn đề xảy ra đều uy hiếp tới độ an toàn, tới tính mạng của hàng chục thuyền viên và tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận