Sáng nay (18/5), Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ và các tỉnh thành phố đã chú trọng công tác xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị. Từ đó đưa các định hướng phát triển dài hạn, phân bổ nguồn lực nhằm từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong các chiến lược của quy hoạch phát triển đô thị đã xây dựng vai trò của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là một trong những động lực chính để mở rộng không gian và phát triển đô thị. Ưu tiên triển khai xây dựng các công trình giao thông, các tuyến đường bộ, cao tốc, cửa ngõ các thành phố lớn như: Láng Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây...
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, giao thông công cộng được quan tâm phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Các dự án đã đáp ứng nhu cầu phát triển, giải quyết ùn tắc giao thông, mở rộng không gian đô thị, tăng khả năng kết nối giữa các đô thị, cải thiện chất lượng sống của cư dân. Điều này cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ rõ giao thông vận tải đô thị còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ đặc biệt là giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, tầm nhìn quy hoạch còn hạn chế, mục tiêu trong quy hoạch đưa ra quá lớn, chưa tương xứng với khả năng cân đối nguồn lực. Công tác lập quy hoạch còn yếu, chất lượng chưa cao, kinh phí lập quy hoạch còn thiếu.
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ từ khâu xây dựng, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng, khung giao thông lớn như đường vành đai, đường cao tốc hướng tâm. Các tuyến nối các đô thị vệ tinh với các khu vực trung tâm chưa hình thành, đồng bộ như: chưa đầu tư khép kín được Vành đai 2, Vành đai 3,5 của Hà Nội; chưa đầu tư được Vành đai 4, Vành đai 5 của Hà Nội và Vành đai 4 của TP.HCM.
Cạnh đó, đường sắt đô thị chưa được đầu tư theo quy hoạch, hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác một tuyến ở Hà Nội. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và một số cảng quan trọng khác còn chậm, Điều này dẫn đến khai thác vượt công suất thiết kế, đặc biệt là các ga hành khách gây ùn tắc...
Đặc biệt, việc huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa hiệu quả, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước. Cơ chế khai thác quỹ đất ở các đô thị và khu vực tư nhân còn hạn chế, chưa gắn kết giao thông công cộng với đô thị. Chưa đầu tư khai thác và sử dụng được hiệu quả không gian ngầm bởi hiện nay duy nhất chỉ Hà Nội có quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng nêu thực trạng tỉ lệ đất dành cho giao thông thấp, chỉ từ 10-20% (không đạt so với yêu cầu 16-26%); tỉ lệ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt từ 1-2% so với yêu cầu từ 3-5%; tỉ lệ đất dành cho giao thông đô thị của năm thành phố trực thuộc Trung ương trung bình chỉ đạt 8,63%. Ông Đông đánh giá tỉ lệ này ở mức thấp và là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông đô thị ngày càng nghiêm trọng.
Về mục tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đô thị hóa. Phấn đấu đến 2025 tỉ lệ đô thị hóa đạt 45%, đến năm 2050 đạt 50%.
Về giải pháp, Bộ GTVT kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị bền vững. Sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh/thành phố làm cơ sở cho quản lý và đầu tư. Đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa tổng thể giữa các lĩnh vực. Hoàn thiện quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch giao thông.
Bên cạnh đó, tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận