Thời sự Quốc tế

Tiệc trà và chiến lược ngoại giao trà của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

02/11/2022, 06:30

Tối 31/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà.

Đây là lần thứ hai, Đảng, Nhà nước Trung Quốc tổ chức nghi thức lễ tân đặc biệt này đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong không khí ấm cúng, hữu nghị đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đàm đạo, trao đổi về văn hóa trà của hai nước cũng như trao đổi về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Tiệc trà - vừa quảng bá văn hóa, vừa thể hiện triết lý ngoại giao

Theo tờ Nhật báo Trung Quốc, trà là biểu tượng của văn hóa và lòng hiếu khách của người Trung Hoa. Truyền thống văn hóa của người Trung Quốc khi gặp gỡ bạn bè là uống trà và đàm đạo, trao đổi ý kiến.

Và theo suốt dòng lịch sử Con đường Tơ lụa cổ đại và Sáng kiến Vành đai và Con đường hiện tại, trà là một mặt hàng được người dân các nước yêu thích. Ở Trung Quốc bây giờ có thể tìm thấy rất nhiều loại trà, trà đen của Anh, trà sữa Ấn Độ, trà xanh matcha Nhật Bản và đặc biệt là trà truyền thống của Trung Quốc. Giống như cách người dân Trung Quốc cởi mở với các loại trà khác nhau và các nền văn hóa đằng sau đó, đất nước này cũng có cách tiếp cận ngoại giao hài hòa trong đa dạng.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Tiệc trà trong tối 31/10. Ảnh - Xinhua

Và đó chính là lý do trà đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn trong nhiều dịp ngoại giao quan trọng để vừa để quảng bá văn hóa trà truyền thống Trung Quốc vừa thể hiện triết lý của nước này trong ngoại giao.

Nhìn lại từ năm 2014, khi Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu tại Đại học Châu Âu ở Bruges, Bỉ, ông đã so sánh giữa trà và bia để nói về mối quan hệ Trung Quốc - Châu Âu. "Người Trung Quốc thích trà và người Bỉ thích bia. Đối với tôi, người uống trà một cách điềm đạm và người say mê bia đại diện cho hai cách sống và nhìn nhận thế giới, và tôi thấy cả hai đều bổ ích như nhau. Vì vậy, chúng ta hãy hợp tác cùng nhau để tất cả các bông hoa của các nền văn minh nhân loại cùng nhau nở rộ ", ông Tập nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng mời tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc gặp chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Trung Quốc vào tháng 1/2017. Đây là tiệc trà lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo và cả hai đã cùng đàm đạo về văn hóa trà của hai nước.

img

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng mời tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017. Ảnh - Xinhua

Đến tháng 11/2017, tại cuộc họp báo thông tin về Cuộc đối thoại giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng chính trị khác trên toàn cầu tại Bắc Kinh. Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giới thiệu một tấm áp phích có hình ảnh những chén trà. Bức áp phích thể hiện truyền thống văn hóa - cùng bạn bè thưởng trà và đàm đạo của Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc đối thoại này, kêu gọi các chính đảng trên thế giới xây dựng một cộng đồng cùng hướng đến tương lai chung cho nhân loại.

Ngày 28/4/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Cuộc hội đàm diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 6 năm đó và trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ ở vào một thời điểm quan trọng.

Trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình và ông Modi đã thử hai loại trà địa phương, trà đen Lichuan và trà xanh Enshi.

Ông Tập cũng đề cập đến một loại trà khác từ Yichang, Hồ Bắc, có mối liên hệ với Ấn Độ.

img

Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh - Xinhua

Với sự trao đổi thương mại và văn hóa giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ xa xưa, Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần mở rộng và làm sâu sắc hơn sự trao đổi song phương, hướng tới phục hưng nền văn minh phương Đông, kêu gọi tôn trọng sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy các nền văn minh khác nhau cùng tồn tại hòa hợp.

Và đến ngày 20/6/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện cũng đã cùng uống trà với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, sau khi căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt. Tách trà này là một hình ảnh tuyệt vời cho khái niệm hòa bình, theo Nhật báo Trung Quốc.

img

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện cũng đã cùng uống trà với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Ảnh - Xinhua

Sự gắn kết cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình

Lý do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn trà trong các sự kiện quan trọng không chỉ bởi trà là một đại sứ văn hóa của Trung Quốc, tốt cho sức khỏe và được người dân toàn thế giới biết đến, mà còn vì bản thân nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng rất yêu thích trà. Tình yêu này có thể đã bắt đầu trong thời gian ông làm việc ở tỉnh Phúc Kiến, theo tờ First Post.

Khi đó, ông Tập Cận Bình đã có 4 lần đến thăm ngôi làng Tanyang ở thành phố cấp huyện Phúc An với tư cách là Bí thư Đảng ủy Thành phố (cấp địa khu) Ninh Đức (1988-1990), nơi nổi tiếng với món trà Tanyang Congou, từng đoạt giải vàng tại Triển lãm Quốc tế Panama-Thái Bình Dương.

img

Chủ tịch Trung Quốc tới thăm tỉnh Phúc Kiến, lắng nghe về những nỗ lực của người dân địa phương trong phát triển ngành công nghiệp trà vào năm 2021. Ảnh - Xinhua

Ông Tập đã đề xuất phát triển ngành công nghiệp trà mang đặc trưng của địa phương thông qua phân loại lá trà, trồng quy mô lớn và quản lý khoa học. Ông cũng đã nỗ lực cải thiện giống trà và chất lượng lá trà.

Trong khi thông qua trà để chia sẻ văn hóa truyền thống Trung Quốc và thể hiện chiến lược ngoại giao, vào tháng 5/2020, ông Tập Cận Bình đã gửi một lá thư chúc mừng Ngày Quốc tế Trà đầu tiên, trong đó nêu rõ rằng Trung Quốc, với tư cách là một nhà sản xuất và tiêu thụ trà quy mô lớn, sẽ nỗ lực để tăng cường giao lưu văn hóa trà và giúp nhiều người hơn được tận hưởng cuộc sống với trà.

Vai trò ngoại giao của trà

Nhận định về ngoại giao trà, bà Kunbing Xiao, phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Dân tộc Tây Nam ở Thành Đô, và là học giả hàng đầu về lịch sử và sự phát triển của trà Trung Quốc cho biết: “Việc Trung Quốc chọn trà như một phương thức ngoại giao quan trọng để làm mềm mại hình ảnh đất nước là rất có ý nghĩa”.

“Đối với Trung Quốc, trà giống như gấu trúc – đều là những biểu tượng văn hóa,” bà Xiao nói và bày tỏ, theo bà, Trung Quốc đương đại muốn thế giới thấy đất nước tỷ dân có tinh thần hòa bình và muốn giúp các nước đang phát triển thúc đẩy kinh tế, tôn trọng hợp tác quốc tế.

Bà Alka Acharya, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi so sánh cách nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy văn hóa trà với cách Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đề cao nguồn gốc Ấn Độ của yoga.

Bà nhận định việc sử dụng các phương thức ngoại giao mới trong những năm gần đây là lẽ tự nhiên vì khi sự toàn cầu hóa kinh tế sẽ làm tăng phạm vi quyền lợi đối với các nước lớn. Rõ ràng, các công cụ ngoại giao cũng được mở rộng, đa dạng hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.