Thông tin trong tài liệu hé lộ điều gì?
Ngày 9/4, hãng tin Washington Post dẫn thông tin từ tài liệu rò rỉ (nghi chứa thông tin mật) của Lầu Năm Góc cho biết, vụ việc xảy ra ngày 29/9/2022 tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea - đã sáp nhập về Nga từ năm 2014.
Trong tài liệu, vụ việc được đề cập với tựa đề “một UK RJ suýt bị bắn hạ”, trong đó RJ là cách viết tắt của “Rivet Joint” - biệt danh của máy bay trinh sát RC-135, loại máy bay được sử dụng để thu thập tín hiệu radio, các tin nhắn điện tử khác.
Theo Washington Post, căn cứ theo thông tin trong tài liệu mật, vụ việc có tính nghiêm trọng hơn so với thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cung cấp trước đó và có thể cuốn Mỹ cùng các đồng minh NATO liên quan trực tiếp đến chiến sự tại Ukraine.
Tiêm kích Su-27 của Nga. Ảnh - Sputnik
Trước đó, tháng 10/2022, khi thông tin về sự việc trước Quốc hội Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace chỉ cho biết 2 tiêm kích Su-27 của Nga di chuyển “liều lĩnh”, chặn chiếc RC-135 trên không phận quốc tế ở Biển Đen. Trong đó, một máy bay Nga áp sát máy bay Anh ở khoảng cách khoảng 4,5m.
Theo ông Wallace, một tiêm kích Nga đã phóng tên lửa, nhưng ông Wallace không dùng cụm từ “suýt bắn hạ” để mô tả sự việc như trong nội dung trong tài liệu rò rỉ. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng cho biết nguyên nhân tiêm kích Nga phóng tên lửa là do “trục trặc kỹ thuật” và ông đã trao đổi với các quan chức quốc phòng cấp cao của Nga về vụ việc.
Theo Washington Post, sự việc cho thấy các quan chức quốc phòng phương Tây đang rất nỗ lực để cân bằng giữa viện trợ vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine và tránh bị cuốn vào xung đột trực tiếp với Nga.
Từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Mỹ và đồng minh luôn khẳng định hỗ trợ Ukraine nhưng không tham gia vào xung đột với Nga.
Cả giới chức Mỹ và Đại sứ quán Nga tại Mỹ đều chưa phản hồi trước thông tin trên. Một quan chức thuộc Đại sứ quán Anh tại Washington từ chối bình luận.
Hoạt động bay trinh sát của Anh, Mỹ trên Biển Đen bị rò rỉ
Ngoài ra, trong số tài liệu mật vừa bị rò rỉ còn có thông tin chi tiết về các chuyến bay trinh sát của Mỹ và đồng minh tại Biển Đen từ ngày xảy ra sự việc trên tới ngày 26/2/2023. Tài liệu được đề nhãn “SECRET/NOFORN”, có nghĩa là văn bản không được phép chia sẻ với các bên không phải công dân Mỹ.
Trong tài liệu, còn có các phản ứng của Nga trước một số chuyến bay trinh sát của Mỹ, Anh và Pháp trong giai đoạn từ tháng 10/2022 tới tháng 2/2023. Chẳng hạn như trong vụ việc xảy ra ngày 30/10/2022, một máy bay Rivet Joint khác của Anh được 2 tiêm kích Typhoon hộ tống, bị các máy bay Nga chặn sau khi áp sát ở khoảng cách 30m.
Tiếp đó, ngày 22/2/2023, 1 UAV trinh sát MQ-9 của Mỹ bị máy bay Nga chặn sau khi áp sát ở khoảng cách 30m.
Hai tuần sau, ngày 14/3, hai tiêm kích Su-27 của Nga chặn UAV MQ-9 của Mỹ, xả nhiên liệu vào phương tiện này, thậm chí còn va chạm với UAV, khiến quân nhân Mỹ điều khiển thiết bị từ xa buộc phải cho UAV rơi xuống Biển Đen.
Về phía Nga, vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận cáo buộc từ phía Mỹ, khẳng định UAV Mỹ chuyển hướng đột ngột, mất kiểm soát và rơi trong khi các chiến đấu cơ của Nga không tiếp xúc với UAV.
Cũng trong tài liệu, Pháp và Anh đã thực hiện các chuyến bay trinh sát có người lái trên Biển Đen trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2022 - 26/2/2023 trong khi Mỹ sử dụng UAV như RQ-4 Global Hawk, RQ-170 Sentinel và MQ-9 Reaper. Những chuyến bay này diễn ra hàng tháng.
Trước đó, các quan chức quân sự Mỹ từng cho biết họ thường công bố kế hoạch bay đối với những chuyến bay trinh sát này.
Hãng tin New York Times là tờ báo đầu tiên của Mỹ đăng tải thông tin về tài liệu nghi là kế hoạch bí mật của Mỹ, NATO nhằm tăng cường khả năng của quân đội Ukraine trước đợt phản công sắp tới, bị rò rỉ trên một số nền tảng mạng xã hội.
Sau đó, hãng này tiếp tục đăng tải nhiều bài viết cho biết một loạt tài liệu mật mới của Mỹ về Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông cũng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận