Đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Tổng giám đốc Sembcorp Development Ltd kiêm Chủ tịch HĐQT VSIP Group Lee Ark Boon.
Tại buổi gặp, ông Lee Ark Boon cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào chuỗi khu công nghiệp VSIP. Ngoài ra, Sembcorp cũng muốn đầu tư thêm các khu công nghiệp khác tại Việt Nam.
Tập đoàn này đang có kế hoạch phát triển khu công nghiệp carbon thấp, công nghệ cao, trung tâm dữ liệu xanh để đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh của Việt Nam. CEO Sembcorp mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch này.
Tại Việt Nam, VSIP là liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - BCM) và Sembcorp Development Ltd (Singapore), trong đó BCM nắm giữ 49% cổ phần. Kể từ khi thành lập vào năm 1996, liên doanh này đã phát triển và quản lý hơn 18 khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm các dự án nổi bật như VSIP Bình Dương II (2.045 ha), VSIP Quảng Ngãi (1.700ha), VSIP Hải Phòng (1.600ha), và VSIP Cần Thơ (900ha).
Ngoài lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Sembcorp cũng đặc biệt chú trọng đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tháng 6/2024, công ty đã hoàn tất việc mua lại gần như toàn bộ cổ phần tại ba trong số bốn công ty con của Tập đoàn Gelex thông qua công ty con Sembcorp Solar Vietnam. Thương vụ này giúp Sembcorp bổ sung thêm 196MW công suất năng lượng điện gió và điện mặt trời vào danh mục hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, Sembcorp cũng thông báo việc mua 73% cổ phần của một công ty thành viên Tập đoàn Gelex, công ty này đang sở hữu công suất thủy điện 49MW. Dự kiến, thương vụ này sẽ được hoàn tất vào nửa cuối năm 2024 sau khi nhận được sự phê duyệt theo quy định.
Khi các thương vụ trên hoàn tất, tổng công suất năng lượng của Sembcorp tại Việt Nam sẽ đạt 455MW, trong tổng công suất 14,4GW mà tập đoàn sở hữu trên toàn cầu.
Ngoài việc mua lại các dự án năng lượng từ Gelex, một trong những dự án đáng chú ý của Sembcorp tại Việt Nam là nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3. Sembcorp cũng đang nắm giữ 49% cổ phần tại BCG GAIA, một công ty trong lĩnh vực năng lượng thuộc Bamboo Capital.
Tiềm lực của "ông lớn" Singapore
Theo tìm hiểu, Sembcorp Industries là một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu có trụ sở tại Singapore, chuyên cung cấp các giải pháp bền vững trong lĩnh vực năng lượng, nước và phát triển đô thị. Thành lập năm 1998, tập đoàn đã phát triển mạnh mẽ và có mặt tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Tập đoàn sở hữu danh mục năng lượng với tổng công suất 21,2 GW, bao gồm 14,4 GW năng lượng tái tạo, trải rộng trên 10 quốc gia. Các dự án phát triển đô thị của Sembcorp có quy mô hơn 14.000ha trải rộng khắp châu Á, tạo ra hơn 377.000 cơ hội việc làm và thu hút gần 50 tỷ USD vốn đầu tư.
Sembcorp đang tập trung vào phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, với các dự án điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng mới như hydro xanh. Tại Ấn Độ, Sembcorp sở hữu và vận hành các nhà máy điện gió với tổng công suất trên 1.700 MW, đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia này.
Tại Anh, Sembcorp quản lý các cơ sở lưu trữ năng lượng quy mô lớn, bao gồm dự án pin lưu trữ 360 MW tại Teesside, một trong những dự án lớn nhất châu Âu.
Không chỉ vậy, tập đoàn này cũng cung cấp các giải pháp xử lý nước sạch, nước thải và tái sử dụng nước tại các khu vực có nhu cầu cao như Trung Đông và Trung Quốc. Tại Oman, Sembcorp vận hành nhà máy khử mặn nước biển có công suất 120.000 m³/ngày, cung cấp nước sạch cho hơn 800.000 người.
Thông qua Sembcorp Development, tập đoàn cũng mở rộng đầu tư và xây dựng các khu đô thị tích hợp và khu công nghiệp tại nhiều quốc gia. Tại Indonesia, Sembcorp hợp tác phát triển khu công nghiệp Kendal (Kendal Industrial Park), một dự án quan trọng hỗ trợ chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của chính phủ Indonesia.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo nửa đầu năm 2024, Sembcorp Industries ghi nhận doanh thu 3,2 tỷ đô la Singapore và lợi nhuận đạt 532 triệu đô la Singapore.
Trong đó, lợi nhuận của mảng dịch vụ khí đốt và liên quan đạt 339 triệu đô la Singapore, giảm so với mức 435 triệu đô la Singapore nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, nếu loại trừ chi phí bảo trì tại các nhà máy trong kỳ, kết quả kinh doanh của mảng này được tập đoàn đánh giá vẫn ổn định bất chấp giá điện bán buôn tại Singapore giảm.
Hiện tại, 99% danh mục đầu tư nhà máy điện khí của tập đoàn tại Singapore đã được ký hợp đồng thông qua các thỏa thuận mua điện dài hạn.
Đối với mảng năng lượng tái tạo, lợi nhuận đã giảm 13%, xuống còn 104 triệu đô la Singapore từ mức 119 triệu đô la Singapore cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ hạn chế sản xuất (curtailment) cao hơn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, mức giảm này đã được bù đắp nhờ đóng góp từ các thương vụ mua lại mới.
Mảng giải pháp đô thị tích hợp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 70 triệu đô la Singapore, tăng 43%, nhờ sự phục hồi doanh thu từ hoạt động bất động sản tại thị trường Việt Nam và Indonesia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận