Mới 8h30, điểm tiêm chủng dịch vụ ở 31 Lò Đúc đã hết số |
Coi thường y tế phường
Chủ nhật ngày 12/10, mới 8h30, tấm biển “Hết số thứ tự” đã được dựng phía ngoài cửa Trung tâm Dịch vụ KHKT và y tế dự phòng (31 Lò Đúc). Theo chia sẻ của một cán bộ tại đây, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận gần 200 ca đến tiêm vaccine các loại. “Vào những ngày cao điểm dịch sởi, thủy đậu, mới 6h30 đã chẳng còn số thứ tự để phát”, cán bộ y tế này cho hay.
"Hiện cả vaccine dịch vụ lẫn vaccine tiêm chủng mở rộng đều có quy trình kiểm định như nhau, không có vaccine nào là an toàn 100%”. Ông Kohei Toda chuyên gia về vaccine của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam |
Trong khi đó, tại Trạm y tế phường Phạm Đình Hổ cách đó một đoạn lại vắng vẻ, dù nhân viên y tế ở đây cho biết, có nhận tiêm dịch vụ các loại vaccine. “Thi thoảng cũng có người đưa con đến để uống Rota virus”, nhân viên này cho hay.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thừa nhận nghịch lý các điểm tiêm dịch vụ luôn đông khách, còn các trạm y tế phường, xã, thì dù tiêm miễn phí vẫn vắng người. “Đợt cao điểm dịch sởi vừa qua là một ví dụ. Trong khi Hà Nội tổ chức hai đợt tiêm vét vaccine sởi miễn phí cho trẻ thì nhiều gia đình từ chối, đổ dồn đến phòng tiêm dịch vụ tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella, khiến loại vaccine này trở nên khan hiếm. Tương tự, trong khi vaccine 5 trong 1 Quinvaxem của chương trình tiêm chủng mở rộng “ế ẩm”, thì vaccine 5 trong 1 tiêm dịch vụ có thành phần tương tự Quinvaxem lại liên tục “cháy hàng”, ông Cảm thông tin.
Tâm lý cầu toàn
Đưa con đến trung tâm tiêm chủng 31 Lò Đúc từ 6h30, chị Thu Trang (Đền Lừ, Hà Nội) nói: “Nhóc nhà mình 9 tháng, hôm nay đi tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella. Trung tâm Y tế phường mình cũng gọi đi tiêm sởi miễn phí nhưng mình muốn con tiêm mũi tổng hợp luôn. Mình tin thuốc ngoại thì chắc chắn tốt hơn thuốc nội, và mất tiền thì đương nhiên dịch vụ sẽ tốt hơn”.
Khi được hỏi về lý do chọn tiêm dịch vụ, chị Huyền ở Minh Khai, Hà Nội (có con trai 8 tháng đi tiêm nhắc lại mũi “6 trong 1”) cho biết, nhiều trẻ em hàng xóm khi tiêm mũi miễn phí ở phường hay bị sốt rất cao, mệt mỏi. Trong khi đó, mọi người nói vaccine dịch vụ ít gây phản ứng cho trẻ nên mình quyết định tiêm vaccine dịch vụ dù phải tốn kém. Chị Huyền cho biết thêm, số tiền dành cho việc tiêm chủng vaccine dịch vụ trong một năm đầu đời của con xấp xỉ 7 triệu đồng.
Theo chị Nga (ở Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm) thì, tiêm dịch vụ gia đình cảm thấy yên tâm vì ở đó vaccine được bảo quản tốt hơn, được các nhân viên y tế tư vấn. “Tôi thấy rõ ràng chất lượng phục vụ của các điểm tiêm chủng dịch vụ tốt hơn, nên tôi toàn đưa con đi tiêm dịch vụ”, chị Nga cho hay.
Thực tế đã chứng minh, tiêm chủng dịch vụ có chất lượng phục vụ, quy trình tiêm chủng khá chặt chẽ, bài bản. Nói như PGS.TS. Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hà Nội, để các cha mẹ thực sự yên tâm với một chương trình tiêm chủng miễn phí, điều cần thiết là phải cải cách quy trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, mỗi cán bộ y tế đang tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng cần phải giải thích cho người dân thật kỹ lưỡng về vaccine, tuân thủ nghiêm khắc quy trình tiêm chủng, khám sàng lọc...
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận