Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án luật tổ chức VKSND (sửa đổi) sáng nay (5/6), ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nên duy trì cơ quan điều tra của VKSND tối cao, bởi điều đó là cần thiết và thậm chí nên mở rộng quyền điều tra của VKSND tối cao.
"Cái đầu phải lạnh, bàn tay phải sạch"
Đề cập đến quy định trong dự thảo luật về tổ chức VKSND khu vực, theo ông Thuyền,có lý luận cho rằng, nếu để cho các cơ quan tiến hành hoạt động tư pháp ở khu vực thì sẽ có tính độc lập, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
"Hiện nay, các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi 3 vấn đề: thứ nhất là chính trị, hai là tiền bạc, ba là tình cảm. Người ta nói là: Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì công lý sẽ cắp cặp ra đi. Chính vì vậy, nếu nói rằng lập tòa án khu vực để không có sự can thiệp của đảng và chính quyền vào công việc của các cơ quan nội chính này, xin thưa là chưa vững chắc. Tiền bạc và tình cảm thì nó không có biên giới. Bất cứ chỗ nào nó cũng có thể đi vào được và nó sẽ làm cho công lý không còn ở trong đó nữa", ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) |
Cũng theo vị đại biểu này, cái yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải là do tổ chức bộ máy. "Bởi cán bộ của chúng ta bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì nó mới xảy ra oan và sai. Chứ không phải chúng ta nhập cơ quan này với cơ quan kia là mọi việc sẽ tốt lên", ông Thuyền nói và đề nghị phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ để có bản lĩnh, đầy nhiệt huyết, cái đầu phải lạnh nhưng bàn tay sạch. Có như thế thì cán cân công lý và công bằng xã hội sẽ được thực hiện.
Tử hình bằng tiêm thuốc độc quá tốn kém
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Đương (Tp. HCM) cho rằng sẽ là rất phù hợp khi giữ lại mô hình VKSND cấp huyện như hiện nay. Theo ông Đương, quan trọng là VKS phải kịp thời chống oan sai từ ngay khi điều tra chứ không phải chờ khi tòa án quyết định.
"Để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, không phải là cải cách trụ sở, không phải cải cách cái vỏ vật chất mà cách chính là phải cải cách con người, cải cách cái đầu, cải cách lương tâm, cải cách trách nhiệm. Kinh phí phải tập trung vào những cái này. Làm sao để người thẩm phán, người kiểm sát viên độc lập, chỉ thực thi pháp luật. Phải dành cho họ chế độ, lương bổng thỏa đáng, họ không nghĩ đến tiền, không phải rơi vào tình trạng đói thì ăn vụng, túng làm liều", ĐB Tp. HCM nói.
Từ câu chuyện tổ chức VKS khu vực, ông Đương lấy ví dụ về việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc và cho rằng, việc này rất tốn kém. "Trước đây, việc này chỉ tốn khoảng 15 triệu, nay có thể bội chi lên 200 - 300 triệu để thi hành án tử hình đối với 1 tên tội phạm, nhất là đối với tỉnh xa xôi. Trong điều kiện chúng ta nghèo như vậy, thì đã cần thiết và phù hợp chưa. Nhân đạo với đa số hay thiểu số đây?", ông Đương đặt câu hỏi.
Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến của ĐBQH thảo luận ở tổ về mô hình tổ chức VKSND khu vực cho thấy, nhiều ý kiến nhất trí với phương án tổ chức VKSND khu vực vì vừa bảo đảm phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND, vừa bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động của các cơ quan này theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Có ý kiến còn cho rằng, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã xác định việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND cũng được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhưng việc triển khai quá chậm. Bên cạnh đó, có ý kiến tuy nhất trí với mô hình tổ chức VKSND khu vực nhưng đề nghị quy định linh hoạt để tùy hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương có thể thành lập theo từng đơn vị cấp huyện hoặc liên huyện. Một số ý kiến khác cũng tán thành nhưng đánh giá các căn cứ nêu trong Tờ trình của VKSNDTC còn chưa đầy đủ và thuyết phục.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận