Nhắc tới Phú Quang là nhắc tới Hà Nội! Chẳng phải vì ông lớn lên tại Hà Nội, hay vì ông có vẻ ngoài đặc sánh chất công tử Hà Thành trong hình ảnh đội chiếc mũ phớt, mặc vest lịch lãm, hút xì gà đầy chất quý tộc...
Vậy lý do từ đâu? Muốn biết điều đó, hãy nghe “Em ơi Hà Nội phố”, “Chiều phủ Tây Hồ”, nghe “Hà Nội ngày trở về”…
Có một tuổi trẻ đầy ký ức ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, với Phú Quang, “mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội”. Như lời nhạc sĩ, ông yêu mảnh đất Hà Thành này với một tình yêu cực đoan, đến nỗi “khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng, tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”. Vì lẽ đó, dĩ nhiên ông có sự thiên vị hơn cho Hà Nội khi trong gia tài hơn 600 ca khúc, phần lớn là viết về mảnh đất Hà Thành.
Thế nhưng, Hà Nội trong mắt Phú Quang chẳng phải những điều người ta hay nghĩ đến. Không phải một nơi xô bồ, là kẹt xe hay ồn ào người mua kẻ bán, mà là mùi hoa sữa, mùi hoàng lan, là gió mùa đông bắc se lạnh, sông Hồng, heo may, lá thu vàng… Đó là một Hà Nội lãng đãng, trầm mặc, tĩnh lặng mà nên thơ.
“Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ…”
(Em ơi Hà Nội phố)
Dĩ nhiên, Phú Quang chẳng phải người duy nhất viết về Hà Nội, hay nói như đạo diễn Việt Thanh thì “chắc chắn Phú Quang không phải người viết hay nhất về Hà Nội”. Bởi nếu nói thế, thì Đoàn Chuẩn, Hoàng Hiệp biết xếp ở nơi nào?
Nhưng Phú Quang dường như lại là người có nhiều bài hit nhất về thủ đô. Cái tài của ông là hầu hết các bài hát đều là phổ thơ của các nhà thơ khác, nhưng lại thành công vang dội.
Theo lời nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha, điểm khiến Phú Quang khác biệt chính là do cảm xúc xuất phát từ sự nhớ nhung.
Ông từng có một thời gian sống và làm việc tại Sài Gòn và nhớ nhung Hà Nội da diết. Để rồi, ông chọn những bài thơ cũng đầy nỗi nhớ để hát lên.
“Nỗi nhớ cộng thêm nỗi nhớ đã khiến cảm xúc trở nên dào dạt hơn, tạo nên sức điệu hay, cuốn hút người nghe, đặc biệt là người Hà Nội”, nhạc sĩ Thụy Kha nhận định.
Ông cũng nói thêm, ngày xưa, người Hà Nội hay hát Đoàn Chuẩn. Sau này, nghe Đoàn Chuẩn có vẻ cao siêu và đôi khi, người nghe cảm thấy ngượng vì họ sống không được như thế, nên nhạc Phú Quang dễ “bắt sóng” hơn. “Nhạc của Phú Quang dễ đi vào quần chúng bởi sự gần gũi. Khán giả không chỉ hưởng thụ nhạc của ông mà còn hưởng thụ lời của các nhà thơ”.
Dĩ nhiên, Phú Quang không chỉ có Hà Nội. Ông còn có những mối tình để từ đó cất lên những bản tình ca làm bao trái tim xao xuyến. Thế nhưng, ông luôn kín tiếng về chuyện tình cảm của mình mặc người ta đồn rằng, “chết” vì Phú Quang nhiều lắm.
Vị nhạc sĩ từng kể với báo chí, ông có một mối tình đầu khó quên khi còn sống trong Sài Gòn. Cả hai đến với nhau, yêu thương nhau bằng sự chân thành. Theo mô tả của nhạc sĩ, người đàn bà đó đẹp từ hình thức tới tâm hồn.
Nhưng rồi, cô đã theo gia đình sang nước ngoài định cư, còn ông quyết định ở lại Việt Nam và luyến tiếc, ngậm ngùi chia tay mối tình ấy. Nỗi nhớ gào thét, sự trống trải, cô đơn khiến ông viết nên 13 ca khúc “13 chuyện bình thường”, cho đến khi người cũ đi lấy chồng mới.
“Đó là mối tình rất đỗi đẹp đẽ và mộng mơ trong cuộc đời tôi. Nhiều khi tôi nghĩ nếu không có mối tình đó, có lẽ sẽ không làm nên một nhạc sĩ Phú Quang như bây giờ”, ông thổ lộ.
Ngoài mối tình đó, người nhạc sĩ tài hoa cũng nặng tình với một mối tình khác thời trai trẻ. Ông từng tiết lộ về mối tình này trong đêm nhạc “Những nẻo đường anh đã đi qua”. Đó là mối tình day dứt, đau đớn khi người bạn gái đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư sau khi đi chiến trường trở về. “Tự khúc mưa” chính là ca khúc Phú Quang viết cho người đàn bà ấy.
Sống trong tình yêu, từng trải nghiệm nhiều cảm xúc của tình yêu, khiến những câu hát của ông cũng chất chứa đầy sự rung cảm. “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” (Khúc mùa thu), rồi “Thương lắm thương lắm tóc dài ơi/Một đời long đong long đong thân cò lặn lội” (Thương lắm tóc dài ơi), đến “Sao tình yêu còn dâng trong mắt em/cho tôi biết một thời trai trẻ” (Ngọn nến)… chinh phục trái tim người nghe.
Mà nào có phải, tất cả các bài hát đều là sự chiêm nghiệm của Phú Quang về tình yêu đâu? Phần lớn các bản tình ca nổi tiếng của ông cũng là phổ thơ, từ “Khúc mùa thu” (thơ Hồng Thanh Quang), “Thu rất thật thu” (thơ Chu Hoạch), “Tình khúc 24” (thơ Dương Tường)… Ông mượn các bài thơ, mượn “bóng hồng” của người khác để thể hiện tình cảm của mình, thế mà vẫn làm khối cô mê như điếu đổ. Đấy là tài năng mà không phải ai cũng làm được, ngoài Phú Quang!
Trong mắt nhạc sĩ Vũ Duy Cương, cái giỏi của Phú Quang là âm nhạc xuyên biên giới, đi khắp các tỉnh thành và ra cả nước ngoài. Âm nhạc của ông không chỉ trên các sân khấu to, nhỏ trong nước lẫn ngoài nước, mà tới cả các bàn tiệc, nhà hàng. Cùng đó, thứ am nhạc chẳng phải dân ca, cũng không cụ thể một âm hưởng nào, chỉ pha trộn giữa cũ và mới. Ông cũng chẳng mượn, chẳng bắt chước ai, mà cứ nghe là nhận ra nhạc Phú Quang.
“Đây là nhạc sĩ tôi ghi nhận là kiếm sống được bằng chính tác phẩm của mình. Phú Quang từng nói với tôi: “Mình không khác gì cave, tự mài mình ra để kiếm sống, tự kinh doanh bằng vốn tự có”, nhạc sĩ Vũ Duy Cương kể.
“Vốn tự có” ấy chính là kho tàng âm nhạc dồi dào, là óc sáng tạo và khả năng làm kinh doanh âm nhạc tài ba. Phú Quang trở thành nhạc sĩ hiếm hoi mỗi năm đều đặn làm trung bình 2 liveshow với mức giá vé chẳng hề rẻ, trung bình cũng 1-2 triệu/vé. Vẫn là bấy nhiêu bài hát, tần đó gương mặt ca sĩ, sân khấu cũng chẳng phải huy hoàng lộng lẫy cầu kỳ, có khi chỉ là một gánh hoa để khơi gợi nên một không gian âm nhạc trữ tình.
Ấy thế, người ta vẫn tranh nhau để được một suất vào Nhà hát lớn, để gật gù thưởng thức, đắm mình trong không gian âm nhạc của ông.
Nghe đâu, Quyền Linh thậm chí từng phải mua vé chợ đen 15 triệu/cặp chỉ để được vào nghe bài “Nỗi nhớ mùa đông” trong show của Phú Quang.
Có thể nói, các đêm nhạc của Phú Quang không còn là mạo hiểm mà giống như một sự đóng đinh. Cứ làm như một món ăn cần có cho công chúng thủ đô, đều đặn vào mỗi năm.
Điều này không khó lý giải, nhất là khi ông cho thấy sự tận tụy, trau chuốt cho từng đứa con tinh thần của mình.
Phú Quang kỹ tính, cầu kỳ trong âm nhạc và nổi tiếng khó tính khi làm việc. Chả thế, show của ông toàn ca sĩ hạng A mới có thể “cân” nổi, và cả những ca sĩ hàng đầu cũng bị ông sẵn sàng cho “ra rìa” nếu không làm đúng ý.
Chính nhạc sĩ từng tiết lộ, nhiều ca sĩ sợ hát nhạc của ông, trong đó có diva Thanh Lam. Thậm chí, nữ ca sĩ có lúc dỗi vì không được ông mời sang Mỹ hát. Hỏi lý do, nhạc sĩ mới chê “Cháu hát hay nhưng cháu điên quá, bao giờ hết điên thì chú mời cháu”.
Hay Minh Chuyên – “nàng thơ mới” cũng bị vị nhạc sĩ mắng thẳng mặt khi cô ăn mặc hở hang, rồi nói giọng cô chỉ “thường thôi”.
Nếu ca sĩ Minh Thu thừa nhận: “Chú luôn cẩn thận, khó tính, nâng niu từng nốt nhạc” thì đạo diễn Việt Thanh khẳng định, vị nhạc sĩ “chỉ chơi với những người mình tin tưởng”.
Ông xã của Lê Khanh bảo, Phú Quang từng nói một câu với ông “Nếu không làm cẩn thận, anh sẽ tự đánh mất uy tín của mình”.
Do đó, Phú Quang không đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể với những người mình cộng tác, nhưng tất cả vẫn phải cố gắng hết sức để làm tốt nhất để hài lòng ông.
Một điều hay của Phú Quang là âm nhạc của ông trải dài, trải rộng tới nhiều tầng lớp từ già tới trẻ, từ doanh nhân giàu có tới những tiểu thương ngoài chợ Đồng Xuân, từ tầng lớp tri thức tới những người lao động…
Theo lý giải của nhạc sĩ Thụy Kha thì “họ không phải những người có trình độ thưởng thức âm nhạc quá cao, chỉ thưởng thức theo bản năng nên mê nhạc”.
Xuất thân là một nhạc sĩ thổi kèn cor, viết khí nhạc, nhưng Phú Quang cũng có cái tài khi không để khí nhạc thấm vào ca khúc của mình mà dung dị hóa để đến với quần chúng gần hơn. Thứ âm nhạc dễ thấm ấy đã đi vào lòng người một cách tự nhiên.
Như lời của ca sĩ Ngọc Anh: “Âm nhạc Phú Quang giống như chất gây nghiện. Hát nhạc Phú Quang, tôi cảm thấy như mình thấu cảm và biết đau với nỗi đau của người khác. Nỗi buồn trong các sáng tác của ông không bi thương mà hàm chứa sự biết ơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận