Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc tiến cử người tài thực hiện tốt sẽ chấm dứt được câu chuyện “chọn người nhà chứ không chọn người tài” gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Đề án 6575/QĐ-TU, yêu cầu các cấp, ngành chức năng xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, đảm nhiệm các chức danh đại diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025. Đồng thời, đề án có cơ chế chính sách động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu để có vị trí cho cán bộ trẻ rèn luyện, thử thách. Ông Tiếng cho biết: Đề án 6575 thực chất là sự kế thừa và phát triển một chủ trương về công tác cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng từng khởi xướng từ sau Đại hội XIX Đảng bộ thành phố năm 2005.
Trong đề án có nêu “lãnh đạo Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành… là người tiến cử cán bộ công tác tại địa phương, đơn vị”, điều này liệu có làm nảy sinh tình trạng “tiến cử người nhà, không tiến cử người tài” không, thưa ông?
Tôi nghĩ ngược lại. Chính vì yêu cầu phải công khai tiến cử bằng văn bản với tiêu chuẩn rõ ràng, sự thẩm định đầu vào thận trọng, công tâm của các cơ quan chức năng, những người có ý định “tiến cử người nhà, không tiến cử người tài” sẽ khó thực hiện ý đồ ấy. Trong trường hợp này, nếu cá biệt có ai đó vẫn không sợ mang tiếng và đủ tự tin để giới thiệu người nhà mình, thì không chừng người được tiến cử ấy là một tài năng thực sự.
Chúng ta chỉ không chấp nhận những người phẩm chất và năng lực không có gì nổi bật, thậm chí kém cỏi hơn thiên hạ nhưng vì là “hậu duệ” mà vẫn được tiến cử, vẫn được lựa chọn để tiến chức thăng quan. Cho nên cũng sẽ là bất công đối với những người thực sự tài năng, xứng đáng được tiến cử và thăng tiến trong công vụ, nhưng phải đứng ngoài cuộc vì họ là “hậu duệ”.
Đáng tiếc trong thực tế những trường hợp như vậy quá ít nên câu chuyện chọn người nhà chứ không chọn người tài thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận. Chính vì thế, lo ngại của dư luận không phải không có cơ sở. Để triệt tiêu điều này, cần hết sức minh bạch, công khai khi thực hiện đề án, từ việc tiến cử ở đầu vào đến việc sàng lọc trong quá trình rèn luyện thử thách của tất cả cán bộ được tiến cử.
Theo ông, làm sao để việc động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu sớm “nhường ghế” cho người trẻ đi vào thực chất, phát huy hiệu quả?
Trước hết, cần nói rõ không phải cán bộ lớn tuổi nào cũng thành “rào cản” đối với sự thăng tiến trong công vụ của cán bộ trẻ. Chỉ những người không đủ sức đảm đương nhiệm vụ, bất kể lứa tuổi nào, mới là “rào cản”. Vả lại, suy cho cùng thì chất lượng và hiệu quả phục vụ của nền hành chính mới quan trọng, chứ không chỉ là sự thăng tiến trong công vụ của bản thân cán bộ trẻ.
Đề án cũng nêu “nghiên cứu tăng thêm chức danh Phó bí thư ở các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, chức danh cấp phó ở các sở, ban, ngành… và những nơi có điều kiện” nên phải cân nhắc, tính toán kỹ để không làm cồng kềnh thêm bộ máy cán bộ. Tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu sắp xếp có hợp lý không. Bởi nếu quá lạm dụng thì sẽ đi ngược lại chủ trương giảm cấp phó hiện nay của T.Ư. Điều quan trọng hơn là khi sắp xếp cán bộ được tiến cử vào chức danh tăng thêm, phải làm cho vị trí công tác ấy trở thành môi trường phấn đấu rèn luyện thử thách thực sự để họ trưởng thành trong công vụ, chứ không phải để tạo “nhãn mác” cho họ “đủ tiêu chuẩn” và “đúng quy trình”.
Để ràng buộc trách nhiệm của người tiến cử, theo ông cần phải quy định cụ thể ra sao?
Trong đề án có quy định: “Người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền”. Theo tôi quy định như vậy là cần thiết.
Tuy nhiên, khi cán bộ được tiến cử và chắc là đã được tiến chức thăng quan có sai phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền mà chỉ quy định người tiến cử chịu trách nhiệm cá nhân thì chưa đủ. Bởi vì, đây là một quá trình bao gồm các khâu tiến cử, thẩm định, bổ nhiệm, quản lý cán bộ… với nhiều chủ thể tham gia, sao chỉ quy trách nhiệm cá nhân cho người tiến cử? Ngược lại, nếu tiến cử được một cán bộ thực sự tài năng, hết lòng vì nước vì dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao thì người tiến cử có được khen thưởng không? Nếu đạt được sự đối xử công bằng như vậy thì người dân sẽ đồng thuận cao hơn.
Ông kỳ vọng gì từ đề án này của Đà Nẵng?
Với kinh nghiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, tôi kỳ vọng đề án này sẽ mang lại cho đội ngũ cán bộ Đà Nẵng, cả người dưới 35 tuổi và người trên 35 tuổi, cả người trẻ tuổi và người lớn tuổi một động lực phấn đấu mạnh hơn, góp phần xây dựng nền hành chính công vụ của Đà Nẵng ngày càng chuyên nghiệp, vì dân hơn.
Cảm ơn ông!
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận